>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Không chỉ quan tâm đến ngành nghề đào tạo của các trường, học sinh còn chú ý tới cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp

Khi chọn ngành, học sinh cần tìm hiểu thêm thông tin dự báo nguồn nhân lực các ngành nghề mình yêu thích. Đặc biệt là ngành nghề phù hợp và có nhu cầu cao trong thời gian sắp tới của chính địa phương nơi em sẽ sinh sống và làm việc sau này - Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

Tư vấn tuyển sinh: Hướng dẫn chọn nghề phù hợp

Nhiều HS lo âu trước thông tin gần đây nhân lực khối ngành kinh tế khó tìm được việc làm. Là người đặt câu hỏi đầu tiên của chương trình, HS Nguyễn Thị Thanh Thảo lo lắng: “Em chỉ học tốt các môn khối A (toán, lý, hóa) và dự định thi vào ngành kinh tế nhưng tình trạng thất nghiệp ở nhóm ngành này tăng cao nên em rất phân vân”. Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, chia sẻ: “Đây là câu hỏi mà suốt 2 năm qua rất nhiều HS thổ lộ với tôi trong các chương trình tư vấn. Nền kinh tế đang thực sự rất khó khăn, nhưng nó chính là một bước cần phải có để sang một chu kỳ mới với sự phát triển tốt hơn. Do đó, hiện tượng đào thải lực lượng lao động chưa tốt cũng là tất yếu. Cái thiếu hiện nay và thời gian tới chính là lực lượng lao động chất lượng cao. Nếu em thực sự yêu thích ngành này và thấy có khả năng thì hãy mạnh dạn theo đuổi”.

Thạc sĩ Thái Dương nhấn mạnh trong thời điểm Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN sau năm 2015 thì sự cạnh tranh lao động sẽ vô cùng khốc liệt. Lúc này để có thể tồn tại trong thị trường lao động, bắt buộc bạn trẻ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải thành thạo ngoại ngữ và kỹ năng, đặc biệt phải có thái độ làm việc chuyên nghiệp.

Tư vấn tuyển sinh: Hướng dẫn chọn nghề phù hợp

Tư vấn tuyển sinh: Hướng dẫn chọn nghề phù hợp

Cũng liên quan đến vấn đề việc làm, HS Nguyễn Cẩm Tú suy tư: “Nếu căn cứ vào sức học, em có thể thi đậu vào trường mình chọn. Nhưng nếu học xong mà không xin được việc làm thì em phải làm gì?”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, nhận định: “Các trường đều có chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm cho sinh viên. Tuy nhiên, để có cơ hội việc làm tốt, sinh viên phải tích lũy kiến thức và kỹ năng cần thiết ngay trong quá trình học tập tại trường”. Tiến sĩ Nam cho biết thêm, ngoài địa bàn TP.HCM còn rất nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận có nhu cầu việc làm rất lớn, nên cơ hội việc làm luôn rộng mở. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lưu ý: “Khi chọn ngành, học sinh cần tìm hiểu thêm thông tin dự báo nguồn nhân lực các ngành nghề mình yêu thích. Đặc biệt là ngành nghề phù hợp và có nhu cầu cao trong thời gian sắp tới của chính địa phương nơi em sẽ sinh sống và làm việc sau này”.

Yếu môn hóa, sinh, thi trường nào ?

Một HS lớp 12A8 lo lắng về cơ hội trúng tuyển ĐH vì học yếu các môn hóa, sinh. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thể đưa ra lời khuyên: “Em vẫn có thể thi các khối không có môn hóa, sinh, chẳng hạn khối A1”. Thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thông tin thêm: “Em có thể thi vào các ngành sư phạm tiếng Anh”. Bên cạnh đó, Trường ĐH Mở TP.HCM cũng có nhiều khối như A1, C và D1. Mức điểm chuẩn một số ngành có khối thi này chỉ cao hơn sàn nửa điểm.

Trước câu hỏi chưa biết chọn trường nào để vừa với sức học, tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, tư vấn: “Trước khi chọn trường, em cần xác định nghề yêu thích và phù hợp với bản thân. Sau đó, em chọn ngành học tương ứng với khối thi rồi chọn trường thi có điểm chuẩn phù hợp với lực học”.

Nhiều chính sách hỗ trợ học tập

Không chỉ thắc mắc về cơ hội việc làm, HS còn rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ học tập. Một HS gửi câu hỏi lên ban tư vấn: “Em thuộc gia đình khó khăn muốn thi vào trường ngoài công lập thì có được hỗ trợ học phí không?”. Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, cho hay: “Với những sinh viên có ý chí phát triển nghề nghiệp và có hoàn cảnh khó khăn, trường sẽ hỗ trợ học phí từ 1 đến 4 năm. Ngoài ra, thí sinh trúng tuyển đạt từ 22 điểm trở lên cũng có cơ hội nhận các mức học bổng là học phí từ 1 đến 4 năm”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam cung cấp thêm thông tin: Chính phủ hiện có chương trình cho sinh viên khó khăn vay tiền học tập, tương đương 1 triệu đồng/tháng. Đã có rất nhiều sinh viên nghèo đi học được nhờ chính sách này. Sinh viên học xong ra trường đi làm mới phải hoàn trả với mức lãi suất rất thấp. Tiến sĩ Nam còn khẳng định: “Nếu trong quá trình học đạt điểm cao, sinh viên còn có cơ hội nhận được học bổng từ nhiều doanh nghiệp”.

Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm thông tin Trường ĐH Văn Lang, cho rằng thí sinh xét tuyển vào trường đạt từ 19 điểm trở lên ở các ngành công nghệ phần mềm, du lịch sẽ được tặng học phí năm đầu. Các năm sau nếu duy trì được kết quả học tập tốt sẽ tiếp tục nhận hỗ trợ ở mức cao nhất là 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, hãng Boeing còn tặng học bổng 1.000 USD/năm cho sinh viên giỏi ngành công nghệ thông tin.

Giúp học sinh tiếp cận thông tin

Ở thời điểm này, các HS còn rất nhiều bỡ ngỡ trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Đặc biệt, ở thời buổi kinh tế rất khó khăn như hiện nay, việc lựa chọn ngành thi sai lầm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến bản thân các em. Buổi tư vấn là cơ hội để HS tiếp cận thông tin các trường, cân nhắc kịp thời lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình. - Nguyễn Văn Hậu (Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh)

Nhận thức rõ hơn về nghề nghiệp

Là giáo viên chủ nhiệm, tôi nhận thấy các em nhận thức về ngành nghề còn rất mù mờ. Do đó, giáo viên chúng tôi vẫn phải dành thời gian tư vấn thêm cho các em nhưng thông tin còn rất hạn chế. Buổi tư vấn hôm nay đã giúp các em nhận thức rõ ràng hơn về nghề nghiệp và cách thức lựa chọn ngành học, trường học vừa sức với mình. - Ka Huệ (Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 Trường THPT Nguyễn Văn Linh)

Theo TNO