>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Học sinh tỉnh Quảng Ngãi băn khoăn khi ra trường sinh viên phải “lên núi” hoặc thất nghiệp quá nhiều, những ngành học nào có nhiều nhu cầu nhân lực để khi học xong có việc làm ngay. Sáng 16-3, Chương trình Đưa trường học đến với thí sinh 2014 do Báo Người Lao Động tổ chức với sự tài trợ của Công ty Phân bón Bình Điền cùng sự đồng hành của các trường ĐH-CĐ đã diễn ra tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Quảng Ngãi. Chương trình thu hút hơn 1.000 học sinh các trường THPT tại Quảng Ngãi, trong đó nhiều học sinh đến từ huyện xa như Sơn Tịnh, Tư Nghĩa được ban tổ chức bố trí xe đưa đón. Chương trình được Đài PT-TH Quảng Ngãi truyền hình trực tiếp.

Tìm ngành học liên quan đến sử

Ngay khi bắt đầu chương trình, hàng loạt câu hỏi của học sinh được gửi dồn dập lên ban tư vấn. Em Trần Yến Trinh, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Quốc Tuấn, hỏi: “Trong khi bạn bè coi môn sử là môn học chán nhất thì bản thân em lại vô cùng yêu thích môn học này. Gia đình em cho rằng không ai sống được với ngành học liên quan môn sử và khuyên em chọn lĩnh vực công nghệ thực phẩm. Vậy lĩnh vực này có ngành nào liên quan đến môn sử không?”.

Chọn đúng nghành sẽ quyết định 80% khả năng tìm việc làm

Chọn đúng nghành sẽ quyết định 80% khả năng tìm việc làm

PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, tư vấn môn sử là môn liên quan đến quá khứ, bổ trợ cho kiến thức tổng hợp. Trong ngành thực phẩm cũng nhìn vào quá khứ mới phát triển được do đó không thể thiếu những môn học liên quan đến lịch sử. Một học sinh Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề Sơn Tịnh đặt câu hỏi trực tiếp: “Em muốn thi vào ngành đầu bếp, vậy em có thể thi trường nào?”.

Thầy Lê Văn Cúp, chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết ẩm thực cũng là nghệ thuật, nó phát triển cùng với du lịch. Hiện nay, nước ta đang chủ trương phát triển du lịch nên lượng khách trong và ngoài nước ngày càng nhiều. Để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách, các nhà hàng, khách sạn cần nhiều nhân lực có kiến thức chuyên sâu. Có rất nhiều trường xét tuyển ngành này.

Em Nguyễn Thị Vy, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Quốc Tuấn, hỏi: Em dự định thi ngành thiết kế nội thất khối H1 vào một trường năng khiếu nhưng vẫn muốn thi khối D của kỳ thi 3 chung. Vậy em có thể dự thi cả 2 khối được không?

Trả lời câu hỏi, TS Phùng Xuân Thọ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng, cho biết các trường có khối thi H1 đa số là những trường năng khiếu. Hiện nay, các trường thi riêng đề nghị thi khối H1 cùng đợt 2 của kỳ thi chung nên em không thể thi khối D nếu dự thi khối H1 do 2 khối này diễn ra cùng đợt, thi cùng đề. Em có thể đăng ký nhiều bộ hồ sơ nhưng chỉ được phép chọn một hồ sơ để dự thi.

Thất nghiệp, nỗi lo không của riêng ai

Bên cạnh những câu hỏi liên quan đến chọn ngành, chọn trường, có rất nhiều câu hỏi “hóc búa” đặt ra với ban tư vấn.

Em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Trung Đình, hỏi: “Theo em được biết, các anh chị học khóa trước sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Phạm Văn Đồng đều phải “lên núi” vài năm, sau đó mới được “xuống núi”. Nếu em học ngành sư phạm ĐH Phạm Văn Đồng, liệu em có phải chịu cảnh này?

TS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho rằng sinh viên ra trường khó tìm việc làm là vấn đề chung hiện nay chứ không riêng ở Trường ĐH Phạm Văn Đồng và xã hội đang tìm cách giải quyết vấn đề này. Ngành giáo dục nước ta đang trong tình trạng thừa-thiếu đan xen. Thừa ở những vùng đồng bằng, thành phố nhưng thiếu giáo viên ở các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa nên em cần hiểu để chia sẻ, đồng cảm với điều này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tìm được công việc đúng với nguyện vọng của mình, em hãy cố gắng học tốt, sẽ tìm được việc làm thích hợp.

Trần Thanh Trung, học sinh Trường THPT Sơn Tịnh, băn khoăn: “Sinh viên ra trường thất nghiệp, lỗi do ai?”. Trước câu hỏi “nặng ký” này, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng sinh viên học xong thất nghiệp, có nhiều nguyên nhân: Do các em học kém, chương trình đào tạo không phù hợp yêu cầu doanh nghiệp hoặc do các em không chịu tìm việc làm... Không có câu trả lời chính xác về điều này. Do đó, sinh viên cần trang bị kiến thức, kỹ năng khác ngoài chuyên môn để dễ dàng giải quyết các vấn đề khi ra trường. “Nhiều người không làm đúng chuyên môn vẫn hoàn thành công việc tốt nhờ những kiến thức này. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đang khó khăn nên thất nghiệp là tình trạng chung. Nếu các em đủ năng lực khẳng định bản thân, chuyện tìm việc làm là không khó” - TS Nghĩa nói.

Chọn ngành đúng quyết định 80% khả năng tìm việc

TS Trần Đình Lý cho rằng câu hỏi “Sinh viên ra trường thất nghiệp, lỗi do ai?” phản ánh vấn đề rất lớn mà xã hội quan tâm và liên quan đến nhiều phía: cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng lao động và ứng viên. Theo TS Lý, công tác dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động chưa thực sự được quan tâm tại nhiều địa phương.

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, có việc làm đúng chuyên môn liên quan chặt chẽ với 3 vấn đề trong chuẩn đầu ra: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Do đó, sự định hướng và lựa chọn một ngành học để làm đúng nghề sẽ quyết định khoảng 80% về khả năng tìm việc, làm việc và sự thăng tiến. Thí sinh cần cân nhắc trước quyết định sự nghiệp thông qua bản trắc nghiệm khám phá năng lực bản thân (tại địa chỉ tuyensinh.nld.com.vn/tracnghiem) trước khi đặt bút đăng ký dự thi để có thể biết rõ khả năng, sở thích của mình trước khi chọn ngành nghề phù hợp.

Theo tác giả Tử Trực, báo Người Lao Động, link bài viết gốc: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ra-truong-that-nghiep-loi-do-ai-20140316205249537.htm