Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

chinh_sach_hoc_phi_se_chuyen_sang_co_che_gia_dich_vu

Các đại biểu đề xuất tăng học phí mới nâng cao được chất lượng giáo dục đại học.

 

Đó là một trong các giải pháp Bộ Tài chính nêu ra tại hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện mục tiêu công bằng và hiệu quả” do Bộ Tài chính vừa tổ chức.

 

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho GD-ĐT: năm 2009: 97.826 tỷ đồng; năm 2010: 116.820 tỷ đồng; năm 2011: 144.541 tỷ đồng; năm 2012: 166.094 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, phân tích về tình trạng chất lượng giáo dục đại học (GD ĐH) công lập hiện nay thấp, TS.Nguyễn Trường Giang, đại diện Bộ Tài chính đưa ra 2 lý do.

 

Thứ nhất, đó là hạn chế của việc duy trì mức học phí thấp. Các đơn vị, không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo và tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo. Việc mở rộng quy mô đào tạo không tương xứng với năng lực đào tạo dẫn đến việc tăng tỷ lệ sinh viên/giảng viên, tăng tỷ lệ sinh viên/thư viện, phòng thí nghiệm, giảng đường… ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Phần lớn các cơ sở đào tạo công lập đều không đáp ứng đủ tiêu chí về cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng.

 

Cũng chính việc việc duy trì mức học phí thấp mà cơ sở GD ĐH không có đủ nguồn để cải thiện thu nhập cho giảng viên, không thu hút và giữ được những giảng viên có trình độ tham gia giảng dạy. Các trường phải bổ sung thu nhập từ các hoạt động đào tạo không chính quy, dẫn đến thời gian đứng lớp của giảng viên đại học phần lớn bị quá tải, hầu hết các giảng viên đại học đều vượt định mức giờ giảng theo quy định.

 

Giảng viên đại học không có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp sư phạm..

Thứ hai, hạn chế của việc phân bổ NSNN bình quân. Cụ thể, hỗ trợ từ NSNN không gắn với kết quả số lượng, chất lượng học sinh đào tạo, hoạt động của các cơ sở đào tạo nên không tạo động lực cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo giữa các cơ sở GD ĐH công lập. Không có động lực để chuyển từ đối tượng NSNN hỗ trợ một phần kinh phí, sang đối tượng tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Việc hỗ trợ từ NSNN không gắn với ngành nghề đào tạo, dẫn đến việc người học chạy theo các ngành học có thể thu lợi trước mắt, mất cân đối về nguồn nhân lực.

 

Ưu tiên đầu tư ngân sách cho trường ĐH đào tạo ngành khoa học cơ bản

Tại hội thảo, lãnh đạo nhiều trường đại học và chuyên gia tài chính đã đưa ra một số đề xuất nhằm thực hiện thông báo số 37 TB/TƯ của Bộ Chính trị về đề án "Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công".

 

Đặc biệt, tìm biện pháp tăng cường phân cấp và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường; từng bước tiến tới thực hiện cơ chế tài chính hạch toán đầy đủ chi phí đầu vào, đầu ra.

 

GS-TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, kiến nghị: “Để thực hiện được chính sách xã hội hóa giáo dục, đồng thời đảm bảo tự chủ chi thường xuyên, trường đề nghị nhà nước cho phép được tự xác định mức học phí như trường ĐH thuộc doanh nghiệp nhà nước”.

 

Đại diện Bộ Tài chính TS Nguyễn Trường Giang đã đưa ra giải pháp đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học được nhiều đại biểu tán thành là chuyển chính sách học phí sang cơ chế giá dịch vụ. Từng bước tính đủ học phí theo lộ trình. Theo đó, giai đoạn 1, các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định. Giai đoạn 2, các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương, chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở  giáo dục đại học công lập.

 

Đặc biệt thay đổi cơ chế phân bổ NSNN theo hướng tập trung ưu tiên ngân sách đầu tư xây dựng một số trường đại học đạt tiêu chuẩn hiện đại, các trường đào tạo các ngành nghề khoa học cơ bản, ngành nghề mới, công nghệ cao, khoa học XH nhân văn, y tế, văn hoá.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ trực tiếp cho học sinh nghèo, học sinh là con em gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho người học được tiếp cận, lựa chọn được cơ sở đào tạo chất lượng, phù hợp với nhu cầu học tập của bản thân.

 

TS Giang cũng cho rằng: “Cần thiết xây dựng phương án cơ cấu lại nguồn kinh phí NSNN đối với giáo dục đại học theo hướng ưu tiên hỗ trợ đối với những ngành học khó tuyển, không hỗ trợ đối với những ngành học xã hội đã có đủ yêu cầu.

 

Đổi mới cơ chế tự chủ nhiệm vụ,  tài chính đối với các cơ sở giáo dục đào tạo công lập. Đối với học sinh theo học ngành KHCB, KHXH nhân văn, ngành khó tuyển sẽ thực hiện chính sách nhà nước đặt hàng đào tạo, gắn với nhu cầu sử dụng.

 

Đối với học sinh gia đình nghèo, đối tượng chính sách xã hội, học sinh tài năng: Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ thông qua chính sách tín dụng đào tạo, chính sách cấp học bổng Chính phủ,…tăng mức hỗ trợ tương xứng với nhu cầu đào tạo đối với các học sinh thuộc đối tượng trên theo quy hoạch nguồn nhân lực của nhà nước”.

Tổng số các trường ĐH, CĐ hiện nay là 421, trong đó:

- Số trường công lập là: 339 trường;
- Số trường ngoài công lập là 82 trường.

Tổng số HSSV là 1.643.780, trong đó:

- Số SV học công lập là 1.321.784
- Số SV học ngoài công lập là 321.996.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (dantri)


Bài: Chính sách học phí sẽ chuyển sang cơ chế giá dịch vụ