GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | BAO GIAO DUC | KHOA GIÁO | GIÁO DỤC QUỐC TẾ

Nhân lực năng lượng nguyên tử: Ưu đãi trong đào tạo

So với nhu cầu thực tế, nhân lực cho ngành năng lượng nguyên tử của nước ta đến năm 2020 còn thiếu hụt rất lớn. Vì vậy, với ngành học mới mẻ này, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi cho công tác đào tạo nhân lực.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nước ta có 792 cán bộ có trình độ đại học trở lên đang làm việc ở 40 lĩnh vực chuyên môn khác nhau trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó, nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân là 300 người, còn số cán bộ có chuyên môn về công nghệ, an toàn lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân chỉ khoảng 100 người.

 

Chính phủ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho đào tạo nhân sự ngành năng lượng nguyên tử

Chính phủ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho đào tạo nhân sự ngành năng lượng nguyên tử

Hình minh họa, nguồn Internet

Lĩnh vực năng lượng nguyên tử là một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam, nên để thu hút được nguồn nhân lực cần phải có nhiều chính sách đãi ngộ trong đào tạo.

Ngành học hiếm người theo

So với nhu cầu thực tế, nhân lực ngành năng lượng nguyên tử thiếu cả về số lượng, cơ cấu chuyên môn và trình độ ở 5 lĩnh vực hoạt động: nghiên cứu và phát triển; điện hạt nhân; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; quản lý nhà nước; đào tạo.

Báo cáo mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay nhu cầu nhân lực của nước ta trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến năm 2020 cần tới 4.355 người, riêng lĩnh vực hạt nhân cần 2.850 người, trong đó, số cán bộ chuyên môn về công nghệ, an toàn lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân khoảng 1.600 người.

Nếu so với yêu cầu nói trên thì số lượng nhân lực còn khoảng cách khá lớn, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực cho quản lý, giám sát và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và hỗ trợ kỹ thuật, thiếu những kỹ sư đặc thù cho ngành điện hạt nhân như chuyên viên di chuyển nhiên liệu, bảo vệ phóng xạ...

Thạc sỹ Phạm Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết cái khó nhất là đội ngũ cán bộ làm việc ở lĩnh vực này còn ít, kiến thức mới về kỹ thuật hạt nhân còn hạn chế. Một số cán bộ trẻ có trình độ và khả năng nhưng còn đang trong quá trình đào tạo.

Bên cạnh đó, việc tìm cán bộ  trẻ đi đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân gặp nhiều khó khăn. Lâu nay, ở nước ta số  người theo học ngành hạt nhân, kể cả sinh viên du học tự túc, cũng ít theo học ngành này.

Dành hàng nghìn tỷ đồng cho đào tạo

Chính phủ đã dành khoảng 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để đào tạo cán bộ khoa học trong lĩnh vực điện hạt nhân từ trình độ cao đẳng, đại học đến sau đại học cũng như đào tạo các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam dành khoảng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách của Tập đoàn để đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định chính sách ưu đãi đối với sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử. Cụ thể, đối với đào tạo trong nước sinh viên được miễn hoàn toàn học phí và phí ký túc xá, sinh viên loại giỏi trở lên được học bổng gấp 15 lần học phí/tháng, sinh viên loại khá được học bổng gấp 8 lần học phí/tháng.

Đối với những người tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành năng lượng nguyên tử có nhiều ưu đãi đặc biệt, được hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương tối thiểu của cán bộ công chức nếu có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI.

Đối với đào tạo ở ngoài nước, sinh viên sẽ được cấp sinh hoạt phí bằng 1,2 lần mức sinh hoạt phí cao nhất mà Nhà nước hiện đang cấp cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang theo học ở ngoài nước. Ngoài ra, sinh viên còn được cấp lệ phí làm hộ chiếu, visa, cấp lệ phí sân bay, tiền tàu, xe từ sân bay đến nơi đào tạo và ngược lại.

Bộ trưởng Bộ  Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã khẳng định, cần phải tạo dựng một môi trường làm việc tốt để cán bộ có thể phát huy được năng lực của mình, bao gồm cả môi trường về vật chất tức là trang thiết bị, phương tiện làm việc và môi trường về tinh thần. Ở đây, cán bộ được tự do sáng tạo, được tôn trọng, được giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, công tác truyền thông về năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân cũng cần phải được đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận sâu rộng trong cộng đồng xã hội về chủ trương phát triển điện hạt nhân và việc tuyên truyền về các chính sách ưu đãi cho cán bộ học và làm việc trong ngành năng lượng nguyên tử cũng phải được đẩy mạnh hơn nữa.


Bạn có thể để lại ý kiến và bình luận về nội dung bài viết tại ô bên dưới!

Kênh Tuyển Sinh ( Theo chinhphu.vn)