Tin tức: GIÁO DỤC / ĐÀO TẠO / GIÁO DỤC QUỐC TẾ / DU HỌC HÀN QUỐC

Phụ huynh Hàn Quốc “nghiến răng” chi tiền học của con

Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh Hàn Quốc chi tiêu nhiều hơn số tiền họ có thể kiếm được và thậm chí vay mượn để chi trả tiền học cho con. Và điều này đã làm tăng số lượng những bậc phụ huynh được xếp vào nhóm “nhà nghèo đi học”.

Lịch học gần như khép kín của các học sinh Hàn Quốc

Kim Ji-hye 6 tuổi. Cô bé học tại một trường mầm non gần nhà ở Ilsan, tỉnh Gyeonggi. Em có một lịch trình bận rộn hơn cả cha mẹ mình vì bố mẹ em muốn con mình tập trung vào việc học.

Sau khi tan học ở trường mầm non vào khoảng 2 giờ chiều, cô bé nhanh chóng đến một bể bơi trong nhà để tham gia lớp học bơi trong một tiếng đồng hồ. Sau đó, Kim có buổi học đàn piano cũng trong khoảng một giờ. Để tiết kiệm thời gian, Kim làm bài tập trong khi chờ đến lượt mình vào học đàn piano.

 

Chi phí giáo dục tại Hàn Quốc tạo áp lực lớn cho các bậc phụ huynh

Chi phí giáo dục tại Hàn Quốc tạo áp lực lớn cho các bậc phụ huynh

Tiếp đó là buổi học thêm tiếng Anh, điều đó có nghĩa là phải đến 7 giờ tối thì cô bé Kim mới về đến nhà. Vào dịp cuối tuần, Kim còn tham gia lớp học mỹ thuật. Gần đây cô bé đã đăng ký vào một trường tiểu học tư nhân tại Seoul, nơi cô bé sẽ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ để di chuyển đến trường mỗi ngày. Tiền học mỗi tháng ở trường này vào khoảng 1 triệu won (khoảng hơn 19 triệu đồng).

Mỗi tháng, bố mẹ Kim chi cho con gái khoảng 1,5 triệu won (khoảng 29 triệu đồng) chi phí học tập. Cộng cả tiền học của cậu em 3 tuổi của Kim, bố mẹ cô bé phải chi tổng cộng hơn 2 triệu won (hơn 38 triệu đồng) một tháng cho 2 con học.

Cơn sốt học thêm” kiểu này không chỉ xảy ra ở gia đình bé Kim. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh Hàn Quốc chi tiêu nhiều hơn số tiền họ có thể kiếm được và thậm chí vay mượn để chi trả tiền học cho con. Và điều này đã làm tăng số lượng những bậc phụ huynh được xếp vào nhóm “nhà nghèo đi học”.

Một vấn đề là hiện nay ngày càng có thêm những hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Hàn Quốc trở thành nhóm “nhà nghèo đi học” bởi vì họ phải “vật lộn” để chi trả những khoản tiền quá mức cho con em đi học trong khi vẫn phải cố gắng tiết kiệm để dành tiền khi nghỉ hưu.

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện tháng trước, 56,6% số người được hỏi cho biết họ xếp mình vào nhóm “nhà nghèo đi học”. Khoảng một phần tư cho biết họ tiêu từ 500.000 đến 600.000 won chi phí giáo dục cho mỗi đứa trẻ một tháng. 19,1% cho biết họ phải trả chi từ 400.000 đến 500.000 won.

Hơn 50% số người được hỏi cho biết đang chịu nhiều áp lực từ chi phí giáo dục

Hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ đang chịu áp lực quá nhiều do chi phí giáo dục, trong khi 38,3% trong số họ cho biết áp lực của họ là bình thường. Trong số những phụ huynh thuộc nhóm “nhà nghèo đi học”, một phần năm cho biết họ vay mượn từ người thân, người quen, các công ty thẻ tín dụng và các ngân hàng để trả chi phí học tập của con em.

Trong số những người được hỏi, 46,3% chỉ ra rằng nền văn hóa “xã hội ám ảnh bằng cấp” của Hàn Quốc là lý do chính đằng sau cơn sốt giáo dục.

Theo báo cáo đánh giá giáo dục của công ty Đầu tư và Chứng khoán IBK, thị trường giáo dục tư nhân của Hàn Quốc sẽ tăng 1,9% đến 36,9 nghìn tỷ won trong năm tới.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi tiêu của tư nhân cho giáo dục ở Hàn Quốc chiếm 2,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2011, đứng đầu danh sách trong số 28 quốc gia được khảo sát. Con số này gấp 3 lần mức trung bình của OECD là 0,9%.

Sự mất cân bằng trong chi tiêu cho giáo dục ở Hàn Quốc

Tuy nhiên, chi tiêu công cộng cho giáo dục ở nước này đạt 4,7%, thấp hơn mức trung bình của OECD là 5%, cho thấy sự mất cân bằng giữa chi tiêu tư nhân và công cộng cho giáo dục ở xứ Hàn.

Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước châu Âu. Ví dụ, ở Thụy Điển, chi phí tư nhân cho giáo dục chiếm 0,2% GDP, trong khi chi tiêu công cộng cho giáo dục chiếm 6,1% GDP.

Vấn đề là, theo nhận định của các chuyên gia, người Hàn Quốc sợ thuế cao khi chi phí cho giáo dục công đang tăng lên, trong khi họ sẵn sàng chi tiền cho giáo dục tư nhân.

Theo Korea Times, các chính trị gia và chính phủ đã tìm cách giải quyết những vấn đề này nhưng hầu hết các nỗ lực của họ chưa cải thiện được tình hình là mấy.

Tin tức liên quan: Du học, học bổng, học bổng du học, thông tin du học, thông tin học bổng,du học mỹ, du học anh, du học úc, du học singapore, tư vấn du học, giáo dục, tuyển sinh,thông tin tuyển sinh

( Kênh Tuyển Sinh )