Trong Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy do Bộ GD-ĐT công bố đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục…

Dự kiến trong tháng 2/2015, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức 2 quy chế này trước khi thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy có đề cập đến việc các trường ĐH, CĐ chỉ được tuyển sinh vượt chỉ tiêu vài phần trăm. Nếu cố ý tuyển vượt chỉ tiêu thì sẽ bị kỷ luật.

Chấm thi THPT: Các môn xã hội nên giao cho trường ĐH chuyên ngành

Năm 2015, các trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện công tác tuyển sinh (ảnh minh họa)

Áp dụng biện pháp sàng lọc theo kiểu “lọt sàng xuống nia”

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng, quy định trên sẽ rất khó thực hiện vì nếu như mọi năm, 1 thí sinh dự thi ĐH, CĐ có thể nộp 2 đến 3 hồ sơ xét trúng tuyển nên kéo theo hồ sơ “ảo” gia tăng. Điều này khiến các trường ĐH, CĐ cũng khó có thể biết được chính thức số lượng thí sinh trúng tuyển đăng ký vào học ở trường.

Năm 2015 có một điểm mới là thí sinh có thể nộp hồ sơ vào trường ĐH, CĐ nào phù hợp với năng lực, sở thích sau khi biết kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra tình trạng 1 thí sinh nộp hồ sơ vào một số trường ĐH, CĐ hay nộp vào trường nào đó nhưng lại không đến nhập học; thí sinh đột xuất đi học ở nước ngoài sau khi đã nhập học được một thời gian…

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, để hỗ trợ các trường ĐH, CĐ xác định chỉ tiêu tuyển, Bộ GD-ĐT có thể cho áp dụng biện pháp sàng lọc theo phương châm “lọt sàng xuống nia”. Ví dụ như Bộ nên cho những trường ĐH, CĐ “top” trên (có uy tín, chất lượng đào tạo) được phép tuyển sinh từ 110 đến 120% chỉ tiêu tuyển sinh. Sau 1-2 năm nhập học, sinh viên nào không đáp ứng được yêu cầu đào tạo của trường “top” trên thì có thể chuyển sang học ở những trường ĐH, CĐ “top” dưới (có chất lượng đào tạo thấp hơn) để các em có thể tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức.

Bộ GD-ĐT nên khống chế chỉ tiêu tốt nghiệp của sinh viên chứ không nên khống chế chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh “đầu vào”. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, nếu Bộ “thả lỏng” chỉ tiêu tuyển sinh “đầu vào” thì có thể dẫn đến một số trường ĐH, CĐ ồ ạt tuyển sinh nhưng đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội.

Để giải quyết vấn đề trên, việc Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ phải dựa trên căn cứ cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, chất lượng giảng viên…

Các trường ĐH tự nhiên khó chấm bài môn xã hội

Ngoài quy định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường ĐH, CĐ, hiện nay, các trường ĐH, CĐ khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật sẽ gặp trở ngại trong việc thiếu giảng viên chấm thi các môn khối khoa học xã hội. Vì vậy, họ sẽ phải nhờ giáo viên các trường THPT chấm.

Tuy nhiên, nhiều trường lo ngại chất lượng bài chấm thi khi giao cho giáo viên các trường THPT chấm có thể sẽ không hiệu quả nếu trình độ giáo viên có thể không chuyên biệt với thời gian chấm thi kéo dài.

Do đó, để đảm bảo cho việc chấm thi các môn khoa học xã hội, Bộ GD-ĐT nên giao cho các trường ĐH chuyên ngành hay các khoa chuyên ngành xã hội của một số trường ĐH uy tín nào đó chấm sẽ chuyên sâu và hiệu quả hơn.

Bộ không nên để những trường ĐH không phải chuyên ngành xã hội hoặc coi thi chấm điểm vì sẽ gây ra sự lúng túng trong khâu tuyển chọn giảng viên có uy tín, trình độ thực hiện công tác chấm thi.

Về việc bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm, không nên bỏ vì đây là bậc học rất quan trọng để học sinh phát huy năng lực toàn diện, các trường ĐH, CĐ chọn lựa thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo của mình.  Ví dụ như năm 2015, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM thực hiện quy chế tuyển sinh riêng. Theo đó, nhà trường sẽ tuyển thẳng 400 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT loại Giỏi và có tổng điểm 4 môn thi đạt 32 điểm trở lên.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ thực hiện phương án tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT vẫn nên duy trì cách thức xếp loại tốt nghiệp THPT vì như vậy sẽ tạo động lực để học sinh phấn đấu hơn trong học tập, chứ không hề gây áp lực với các em.

Trong Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT vẫn duy trì thang điểm 10 trong việc chấm thi. Điều này sẽ hạn chế sự lo lắng của học sinh vì nhiều em cho rằng, Bộ GD-ĐT áp dụng thang điểm 20 thì sẽ gồm nhiều câu hỏi trong 1 bài thi. Sự lo lắng này sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm bài thi của thí sinh.

Theo VoV, tin gốc: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/cham-thi-thpt-cac-mon-xa-hoi-nen-giao-cho-truong-dh-chuyen-nganh-380310.vov

Tuyển sinh 2015, chỉ tiêu tuyển sinh, kỳ thi THPT quốc gia 2015, tuyển sinh đại học, cao đẳng