Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, học đường

Có trò chơi rất mãn nhãn như thế này: Cứ sau World Cup, một đội bóng tạm gọi là của FIFA, bao gồm các cầu thủ giỏi nhất cho từng vị trí sau vòng chung kết World Cup, sẽ đá một trận với đội vô địch Word Cup lần đó. Thường thì đội các siêu sao của FIFA thua. Học trò Việt Nam cũng có nét tương đồng như vậy.

Học trò và nền giáo dục

Lý do đội bóng này thua là vì họ chưa được hưởng nền huấn luyện đủ hiệu quả, do thời gian quá ngắn. Đội vô địch thì đang hưởng nền huấn luyện hiệu quả trong suốt mùa rồi.

PISA của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - Organization for Economic Cooperation and Development) đánh giá cao năng lực học của học sinh Việt Nam. Kết quả này không nói lên chất lượng của nền giáo dục. Học trò như những ngôi sao FIFA.

"Chiếm lĩnh nhiều kiến thức (cái của thiên hạ), chưa hẳn tạo ra tri thức (cái của riêng mình). Mà cần phải có tri thức thì mới có cơ may tạo ra trí thức. Kiến thức chỉ mới là cơ sở chứ không tạo ra trí thức".

Học trò Việt Nam được xem là “học giỏi”, chuyện không lạ, chẳng hạn đi thi Olympic thì đoạt giải hoài và nhiều. Nhưng học giỏi là sao? Là kiểu thế này:

Bài thi PISA (Programme for International Student Assessment – Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) yêu cầu học sinh tính số hộp gạch để xây nền nhà. Học trò Việt Nam tính trúng phóc: 18,2 hộp. Nhưng không đúng với thực tế, tức không đủ để lát nền.

Học trò Mỹ cũng tính ra 18,2 nhưng đáp số là cần mua 19 hộp, mới lát đủ nền nhà trong thực tế.

Học trò Việt Nam “học giỏi” chính bài toán đó. Học trò Mỹ “giỏi học” vấn đề của bài toán.

Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam, đưa ra ví dụ này để thấy mục tiêu của PISA là đánh giá năng lực học của học sinh chứ không phải nền giáo dục cung cấp cho học sinh đó.

“Học giỏi” và “giỏi học”

Qua ví dụ này, thấy nền giáo dục Việt Nam làm cho học sinh “học cho giỏi” - giỏi chiếm lĩnh kiến thức. Trong khi nền giáo dục Mỹ cung cấp cho học sinh của họ “giỏi việc học” – sử dụng kiến thức đó.

Chiếm lĩnh nhiều kiến thức (cái của thiên hạ), chưa hẳn tạo ra tri thức (cái của riêng mình). Mà cần phải có tri thức thì mới có cơ may tạo ra trí thức. Kiến thức chỉ mới là cơ sở chứ không tạo ra trí thức.

Vẫn theo câu chuyện từ bà Hà, một cái yếu khác là khả năng lập luận, bày tỏ quan điểm của học sinh. Với những câu hỏi có yêu cầu này học trò của mình trả lời “em không biết” hoặc “câu này khó quá” . Đó là những thiếu sót mà nền giáo dục phổ thông cần phải điều chỉnh.

Chương trình giáo dục phổ thông sẽ cần làm nhiều hơn nữa để cung cấp cho học sinh Việt Nam khả năng lập luận, môi trường để bày tỏ quan điểm. Để học trò “giỏi việc học”, tạo ra tri thức cho riêng mình, để chuẩn bị cho bậc học sau.

Việt Nam có chỉ số năng suất lao động thấp

Sau phổ thông, học trò Việt Nam trưởng thành và đi làm. Hình ảnh chung lúc này là: Việt Nam có chỉ số năng suất lao động tại Việt Nam ở đáy khu vực, chỉ bằng 61,4% so với ASEAN, bằng 12% so với Singapore và 22% của Malaysia, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.

Tất nhiên khái niệm năng suất lao động không chỉ nói đến năng lực của người làm việc mà bao gồm cả vốn, công nghệ và quản trị nhưng chất lượng của người lao động là trung tâm (vì vốn, công nghệ, tài nguyên, thời gian hay quy trình quản trị cũng do người lao động nào đó sử dụng để làm việc).

Cũng theo OECD (2002), khái niệm năng suất lao động là tỷ lệ giữa lượng sản phẩm đầu ra (tính bằng GDP hoặc GVA) trên đầu vào (tính bằng giờ công lao động, lực lượng lao động và số lượng lao động đang làm việc).

Khảo sát “Thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam” do Viện Khoa học lao động và xã hội phối hợp với tập đoàn Manpower (2013) tại 6.000 doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp thuê lao động đánh giá nhân công Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất khu vực.

1/4 doanh nghiệp nói lao động thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo, 1/5 nhận xét thiếu khả năng thích nghi công nghệ mới.

Lúc nhỏ thì “học cho giỏi”, lớn lên đi làm, khi xã hội lại cần “giỏi việc học” để làm việc thì năng suất lao động lại thấp.

Đó là bức tranh chỉ ra nền giáo dục đang cung cấp một mô hình đảo chiều kỳ lạ, sẽ phải sửa nhiều để có hiệu quả hơn.

Nhìn về tương lai, hình dung các học sinh giỏi ngày nay như những ngôi sao FIFA xuất sắc. Nhưng lâm trận là bại trận, thì vui đâu có trọn!

Theo MTG