Sự kiện: Tuyển sinh điểm thi đại họcđiểm chuẩn đại học

Đề thi các môn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014 chỉ ra phần kiến thức thuộc chương trình cơ bản không có phần thuộc chương trình nâng cao, điều này có thể gây thiệt thòi cho thí sinh

Liệu kỳ thi ĐH năm tới điều này vẫn tiếp tục giữ nguyên, thay đổi hay lại quay trở về giống như những năm trước? Đây là câu hỏi rất cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp sớm vì ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của thí sinh và việc dạy học trong nhà trường.

Thí điểm quá nhiều

Thông thường, kiến thức mỗi môn học của chương trình nâng cao hơn chương trình cơ bản khoảng 5 bài, tổng cộng 3 môn (trong 1 khối thi) khoảng 15 bài. Tuy nhiên, với đề thi ĐH năm nay, số lượng kiến thức được lược bỏ không hề ít đối với thí sinh trong một kỳ thi trọng đại. Nếu biết trước điều này, việc giảng dạy của thầy cô trên lớp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian để đầu tư cho những bài học trọng tâm.

Nếu đây là sách lược, là sự dọn chỗ cho chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới và cách thi cử mới thì có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thông báo sớm cho giáo viên và học sinh vì đó là quyền được biết của người dạy và người học.Nếu là sự cáo chung của chương trình phân ban thì vấn đề nảy sinh: như vậy dự án về việc cải cách giáo dục của bộ sắp tới phải chăng chỉ có một bộ SGK? Chủ trương đó có phù hợp cho môn văn khi đề thi tuyển sinh ĐH năm tới dự kiến sẽ lấy văn bản ngoài SGK? Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để soạn chương trình phân ban, nay lại chuẩn bị loại bỏ, liệu điều đó đã được cân nhắc một cách kỹ càng hay chưa?

Có còn cần thiết phân ban chương trình phổ thông như hiện nay?

Có còn cần thiết phân ban chương trình phổ thông như hiện nay?

Chớ để vòng tròn luẩn quẩn: bỏ rồi lại dùng, dùng rồi lại bỏ ám ảnh người dạy và người học. Nền giáo của chúng ta đã trải qua những thực nghiệm và thí điểm quá nhiều, đã đến lúc rất cần một sách lược lâu dài, tiên tiến và phù hợp. Điều đó không chỉ đòi hỏi những nhà quản lý có đủ tâm, tầm, tài mà còn cần có sự hỗ trợ đóng góp nhiệt thành của các nhà khoa học và những  nhà nghiên cứu tâm huyết về giáo dục.

Tránh thiệt thòi cho thí sinh

Đề thi ĐH năm nay tập trung ở phần kiến thức lớp 12 mà “bỏ quên” kiến thức lớp 11. Những năm trước đây, kiến thức đề thi môn địa chỉ nằm trong chương trình 12; môn văn, sử vừa có chương trình lớp 12 và 11. Tuy nhiên, đề thi năm nay môn văn và môn sử chỉ có phần kiến thức thuộc chương trình lớp 12 mà không có kiến thức ở chương trình lớp 11.

Đây là do kết quả của việc bốc thăm theo chủ đề, là chủ trương mới của bộ hay là do quyết định của nhóm ra đề? Nếu là chủ trương mới của bộ giới hạn các môn xã hội, kiến thức 3 môn văn, sử, địa chỉ trong phạm vi chương trình 12 - để 2 môn văn, sử cùng chuẩn với môn địa - thì xin được công khai chính thức bằng văn bản. Bởi khối lượng kiến thức ở lớp 11 của 2 môn văn và sử là rất lớn. Điều này sẽ giúp tất cả thí sinh được bình đẳng ngang nhau về quyền lợi, tránh thiệt thòi cho các em vùng sâu, vùng xa vì thiếu thông tin. Còn nếu đây là kết quả bốc thăm theo chủ đề và là quyết định của nhóm ra đề thì đề nghị bộ phải có phương án khác để đề thi bảo đảm tính khái quát vừa có chương trình lớp 11 và 12 để tránh sự phiến diện, đẩy thí sinh vào tình trạng học tủ.

Riêng về môn văn, xin được kiến nghị đề thi nên ra khái quát, không nên chỉ đi sâu vào một tác phẩm vì điều đó không đánh giá đúng năng lực thật sự của thí sinh. Đề thi nên mang tính tổng hợp xâu chuỗi nhiều tác phẩm để kiểm tra kiến thức thí sinh trên cả bề rộng và bề sâu, tránh được tình trạng học tủ. Nếu là thơ thì chỉ nên chọn những khổ thật xuất sắc của tác phẩm và cũng không nên quá ngắn vì dễ sa vào tình trạng “nhai văn nhá chữ” - điều mà Cao Bá Quát đã chỉ trích, phê phán chế độ khoa cử cách đây hơn 200 năm.

Theo Hoàng Thị Thu Hiền (Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM), http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/cao-chung-chuong-trinh-phan-ban-20140715220442751.htm