Rất khó trên 8 điểm

Như một "luật bất thành văn", hầu hết giám khảo khi chấm bài môn văn thường quan niệm rằng điểm môn văn không bao giờ trên... 8. Cũng như nhiều người cho rằng chỉ những người lãng mạn, mơ mộng mới học giỏi văn.

Quan niệm này là rào cản làm cho bài thi môn văn khó có điểm 9, 10. Việc đánh giá, cho điểm bao giờ cũng có hai mặt. Nó có thể khuyến khích người học cố gắng, phấn đấu đạt điểm cao hơn. Mặt khác nó có thể làm thui chột sự cố gắng của người học. Đây chính là điểm nhạy cảm để giám khảo chấm thi môn văn cần thay đổi quan niệm.

Có nhiều học sinh trở thành nhà thơ, nhà văn sau này nhờ khi học ở phổ thông có một bài văn điểm cao được khuyến khích, khơi nguồn đam mê học văn. Nhưng cũng có nhiều người trở nên “thù ghét môn văn” vì khi học ở nhà trường họ cảm thấy nhiều phi lý. Nhiều năm làm giám khảo tại các hội đồng thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, tôi thấy hầu hết người chấm quá khắt khe. Có nhiều bài văn làm rất tốt, nhiều khi đầy đủ ý hơn cả đáp án, nhưng cũng chỉ dừng lại ở 7, 8 điểm.

Học thi môn văn: Cần phải có phương pháp khoa học

Học thi môn văn: Cần phải có phương pháp khoa học

Từ năm 2014, Bộ GD - ĐT chủ trương thay đổi cấu trúc và yêu cầu về đề thi cũng như đáp án chấm môn ngữ văn cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh CĐ, ĐH. Mà điểm nhấn ở đây là đề và đáp án đều theo hướng mở, phát huy sáng tạo của thí sinh. Đây là điểm thuận lợi để thí sinh có thể gặt hái điểm cao, cũng là dịp để giám khảo trong các kỳ thi thay đổi suy nghĩ và cách chấm, trả lại sự công bằng cho thang điểm môn văn.

Chỉ nặng về cảm xúc

Phần lớn học sinh quan niệm không dễ đạt điểm cao ở môn này vì nó thiên về tình cảm. Văn cũng là một môn khoa học, thực tế nhiều người học giỏi các môn tự nhiên song vẫn học rất tốt môn văn. Vậy phải chăng có bí quyết?

Từ những kinh nghiệm trong nghề, qua việc tìm hiểu bài làm và tâm sự của những thí sinh đạt điểm cao môn văn, có 3 yếu tố quan trọng để bài văn điểm cao: niềm đam mê, phương pháp học và cách thể hiện.

Đặc trưng của môn văn là ở sự biết dung hòa, kết hợp giữa lý trí và cảm xúc. Quá chú trọng cảm xúc, bài làm sẽ không có chiều sâu, thiếu trí tuệ. Ngược lại, thiếu cảm xúc, bài làm sẽ khô khan, ít thuyết phục. Một bài làm tốt là bài làm khi có đủ trí tuệ trong một cảm xúc, đạt đến độ chín muồi. Say mê là để đạt cảm xúc, có phương pháp học là để tích lũy trí tuệ và khi làm bài thi là thể hiện nó trên văn bản. Ngoài ra còn các yếu tố khác như: trình bày rõ ràng, khoa học; từ ngữ có tính chọn lựa cao; dẫn chứng phù hợp, chính xác tuyệt đối; giọng điệu tự tin, chín chắn, thể hiện được cái tôi sáng tạo của người viết; có những hiểu biết tường tận về từng vấn đề và trình bày chi tiết, đầy đủ... Điều quan trọng nữa là chữ viết. Chữ viết phải chuẩn, đẹp.

Những kinh nghiệm trên rất cần thiết để học sinh thấy được "văn lực" của mình và chuẩn bị định hướng một cách học cho mùa thi sắp tới.

Trần Ngọc Tuấn (Giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM), bài gốc: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140924/can-thay-doi-quan-niem-mon-van.aspx