Hiện nay, một số nhà giáo, nhà khoa học qua quá trình tiếp tục phấn đấu, học tập sau tốt nghiệp đại học đã đạt được các học vị thạc sĩ, tiến sĩ và các học hàm phó giáo sư, giáo sư do những công lao cống hiến của mình. Vậy học vị, học hàm cần hiểu sao cho đúng để tránh nhầm lẫn khi giới thiệu với mọi người ?




Cần hiểu đúng về học hàm và học vị - Ảnh 1



Học vị thạc sĩ, tiến sĩ

Sau tốt nghiệp đại học, những người có điều kiện tiếp tục phấn đấu công tác và học tập sẽ đạt được các học vị cao hơn về chuyên môn nghiệp vụ như thạc sĩ, tiến sĩ.

Thạc sĩ

Thạc sĩ gốc từ tiếng Trung Hoa dùng để chỉ những người có học vấn rộng (thạc có nghĩa là rộng lớn, sĩ có nghĩa là người học hay nghiên cứu). Thạc sĩ là từ dùng để xác định một bậc học vị. Ở Việt Nam, Thạc sĩ được sử dụng gọi cho hai loại học vị hoàn toàn khác nhau của từng giai đoạn lịch sử. Trước năm 1975, từ thạc sĩ được dịch chữ agrégation, agrégé của tiếng Pháp, một học vị đặc biệt trong ngành sư phạm của Pháp và một số nước theo hệ thống giáo dục Pháp. Những người có bằng thạc sĩ thì được quyền dạy học. Học vị thạc sĩ này lại chia ra hai cấp là thạc sĩ trung học, được quyền dạy bậc trung học và thạc sĩ đại học, được dạy bậc đại học. Mô hình này được ứng dụng nhiều nhất trong ngành như luật học, y khoa và dược khoa. Một số nhà khoa học của Việt Nam đã có học vị này vào thời điểm bấy giờ như Thạc sĩ Phạm Biểu Tâm (Thạc sĩ y khoa, cấp đại học), Thạc sĩ Vũ Quốc Thúc (Thạc sĩ luật kinh tế, cấp đại học), Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn (Thạc sĩ toán, cấp trung học), Thạc sĩ Phạm duy Khiêm (Thạc sĩ ngữ pháp, cấp trung học) ... Hiện nay, Việt Nam đã sử dụng học vị thạc sĩ được dịch từ chữ Master của tiếng Anh, một học vị trên cấp cử nhân, đại học và dưới cấp tiến sĩ. Tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 được gọi là học vị Cao học. Nước ta đã có nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ trong nước và các chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết với nước ngoài. Các chương trình học được Bộ Giáo Dục và Đào tạo công nhận.

Tiến sĩ

Ở Việt Nam, dưới thời phong kiến, trong kết quả các cuộc thi Nho học, học vị tiến sĩ được phong cho những người đỗ tất cả ba kỳ thi là thi hương, thi hội và thi đình. Người thi đỗ tiến sĩ được ghi danh trong khoa bảng. Vào thời nhà Nguyễn, có thêm học vị Phó bảng, đây là một học vị không phải là học vị tiến sĩ, nhưng cũng được chấm đỗ cả ba kỳ thi trên. Thời nhà Trần những người thi đỗ tiến sĩ được gọi là Thái học sinh.

Hiện nay, tiến sĩ là một học vị do một trường đại học cấp sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành khóa học sau đại học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Tiến sĩ được dịch từ chữ tiếng Anh Doctor of Philosophy, thường được viết tắt là Ph.D. Tại một số quốc gia, tiến sĩ là học vị được Nhà nước cấp cho các nghiên cứu sinh sau khi đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại một trường đại học hoặc viện nghiên cứu có thẩm quyền. Trước thập niên 1990, ở Việt Nam học vị này được gọi là phó tiến sĩ, hiện nay đã đổi thành học vị tiến sĩ; còn học vị tiến sĩ cũ được gọi là tiến sĩ khoa học cho phù hợp với các nước phương Tây. Ở Nga, học vị tiến sĩ được phân thành hai cấp tiến sĩ là Kandidat nauk, tương đương với tiến sĩ của Việt Nam hiện nay và Doctor nauk, tương đương với tiến sĩ khoa họccủa Việt Nam hiện nay.

Về lịch sử, học vị Doctor of Philosophy, viết tắt Ph.D là bậc học cao nhất trong các bậc học xuất hiện đầu tiên ở Đức, sau đó được Mỹ và nhiều nước phương Tây khác sử dụng. Bằng Ph.D đầu tiên được Mỹ sử dụng vào năm 1861 tại Đại học Yale. Ở Ý đến cuối thập niên 1980 mới có bằng tương đương với Ph.D, tên gọi là Dottorato di ricerca. Thực ra, từ Ph.D có gốc từ tiếng Latin là Doctor Philosophiæ. Doctor có nghĩa là "thầy", "chuyên gia", "chức trách". Philosophy có nghĩa là "triết học". Nó có nguồn gốc từ thời Trung cổ ở châu Âu, khi đó các trường đại học chỉ mới có bốn chuyên khoa (faculty) chính là thần học, luật học, y học và triết học. Philosophy ở đây dùng để chỉ các ngành học không dẫn đến một nghề nghiệp thực tế nhất định của thời đó như nhà thờ, luật sư, bác sĩ ... Thực tế hiện nay, không phải học vị Ph.D nào cũng liên quan đến triết học; nhưng từ Doctor vẫn còn mang đầy đủ ý nghĩa cũ. Ở phương Tây, trong các thủ tục nghi thức giao tiếp, người ta giới thiệu một người có bằng và học vị Ph.D là "Doctor". Hầu hết các trường đại học đều đòi hỏi các giảng viên và các giáo sư phải có bằng và học vị Ph.D. Đa số các nhà nghiên cứu ở các viện và phòng nghiên cứu chuyên nghiệp đều có bằng và học vị Ph.D. Tuy vậy, có một điều ngược lại là không phải tất cả những người có bằng và học vị Ph.D đều có thể làm giảng viên, giáo sư, hay nghiên cứu viên.

Riêng học vị tiến sĩ khoa học, tiếng Latin gọi là Scientiae Doctor, một học vị khoa học bậc tiến sĩ, đây là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân của một số quốc gia trên thế giới như Nga, Pháp... Như vậy tại Việt Nam, sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh cao cấp hoặc thực tập sinh sau tiến sĩ mới có được học vị tiến sĩ khoa học. Theo quy định này, đối với những người có học vị tiến sĩ cũ được đào tạo ở trong nước hay nước ngoài đều được sử dụng học vị tiến sĩ khoa học, còn đối với những người có học vị phó tiến sĩ trước đây được chuyển đổi tên gọi chỉ được giới thiệu là học vị tiến sĩ hiện nay, không được sử dụng học vị tiến sĩ khoa học như các tiến sĩ cũ.

Thực tế trên văn bản hay sự giới thiệu các nhà giáo, nhà khoa học, chúng ta có thể phân biệt được học vị tiến sĩ khoa học hay học vị tiến sĩ một cách rõ ràng. Có một số nhà khoa học với học vị phó tiến sĩ trước đây đã vô tình hay cố ý tự biến mình thành một nhà giáo, nhà khoa học có học vị tiến sĩ khoa học chứ không chịu nhận mình là học vị tiến sĩ.

Học hàm giáo sư, phó giáo sư

Học hàm dùng để chỉ các danh hiệu trong hệ thống giáo dục và đào tạo được một tổ chức có quyền hạn nào đó phong cho một người làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu. Các danh hiệu này xác định trình độ chuyên môn cao của những nhà giáo và nhà khoa học. Có hai danh hiệu chính là giáo sư và phó giáo sư. Tiêu chuẩn để có được danh hiệu giáo sư và phó giáo sư không cố định, thậm chí nó không đòi hỏi người được công nhận phải đang làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu. Ở Việt Nam từ năm 2008, học hàm giáo sư và phó giáo sư do Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước xét và đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.




Cần hiểu đúng về học hàm và học vị - Ảnh 2

 


Xét về tiêu chuẩn cũng như cách thức tiến hành công nhận học hàm hiện nay, học hàm giáo sư và học hàm phó giáo của Việt Nam rất khác so với các danh hiệu Professor (thường được dịch là giáo sư) và Associate professor (thường được dịch là phó giáo sư).Giáo sư Việt Nam hoặc gọi đơn giản Giáo sư là tên gọi một học hàm, hoặc một chức danh haymột chức vụ khoa học dành cho các cán bộ giảng dạy cao cấp ở các bộ môn thuộc trường đại học hoặc viện nghiên cứu, được Nhà nước Việt Nam phong tặng vì đáp ứng đủ các tiêu chí do luật định trong các hoạt động thuộc lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.Từ năm 1976, Việt Nam đã chủ trương đào tạotrên đại học trong cả nước. Một số trường, cơ sở đào tạo lớn bắt đầu đào tạo phó tiến sĩ, nay gọi là tiến sĩ, một mốc đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của nền giáo dục đại học ở Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực ở bậc cao, Nhà nước Việt Nam đã chủ trương phong học hàm giáo sư, học hàm phó giáo sư cho đội ngũ nhà giáo và các nhà khoa học đã có nhiều công lao đóng góp. Điều này có ý nghĩa lớn đối với sự nghiệp đào tạo sau đại học. Vào ngày 11 tháng 09 năm 1976, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 162/CP về việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư cho 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu đầu tiên của Việt Nam; trong đó có 14 giáo sư, phó giáo sư thuộc lĩnh vực y học gồm Đặng Văn Chung, Hồ Đắc Di, Vũ Công Hòe, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Vũ Hỷ, Nguyễn Xuân Nguyên, Đặng Văn Ngữ, Đặng Văn Nội, Trương Công Quyền, Phạm Ngọc Thạch, Đinh Văn Thắng, Hoàng Tích Trí, Tôn Thất Tùng và Trần Hữu Tước. Sau lần phong học hàm giáo sư, phó giáo sư đầu tiên năm 1976, các lần tiếp theo được thực hiện vào các năm 1980, 1984, 1986, 1988, 1989, 1991, 1992, 1996, 1997. Ngày 17/05/2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2001/ND9-CP quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Theo nghị định này, việc xét và phong học hàm giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo từng năm.

Hiện nay ở Việt Nam, Giáo sư là tên gọi một chức danh khoa học dành cho các cán bộ giảng dạy cao cấp ở các bộ môn thuộc trường đại học hoặc viện nghiên cứu, được Nhà nước phong tặng vì đáp ứng đủ các tiêu chí do luật định trong các hoạt động thuộc lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Phó giáo sư là một chức danh khoa học giành cho người người nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học, sau đại học nhưng thấp hơn giáo sư. Ở các nước Âu Mỹ,giáo sư không phải là một học hàm hay một chức danh khoa học mà là một chức vụ giảng dạy, thường do các trường đại học tự chọn lựa và quyết định. Ở các nước Đông Âu, Liên bang Nga ..., giáo sư là một chức vụ giảng dạy tại một bộ môn nào đó do hội đồng chuyên ngành quyết định hoặc chức danh khoa học do hội đồng giáo dục và khoa học liên bang công nhận tùy theo thời gian, thành tích giảng dạy đại học, sau đại học và công trình khoa học của các giảng viên có học vị tiến sĩ hoặc tiến sĩ khoa học.

Một số chữ viết tắt học vị, học hàm tại Việt Nam từ tiếng Anh

  • Học vị thạc sĩ khoa học thường được viết tắt là M.Sc hoặc M.S. từ chữ Master of Science.
  • Học vị tiến sĩ thường được viết tắt là Ph.D; PhD; D.Phil hoặc Dr.Phil từ chữ Doctor of Philosophy.
  • Học vị tiến sĩ khoa học thường được viết tắt là Sc.D; D.Sc; S.D hoặc Dr.Sc từ chữ Doctor of Science.
  • Chức danh bác sĩ y khoa thường được viết tắt là M.D. từ chữ Doctor of Medicine; Medical Doctor hoặc Medicinae Doctor.
  • Học hàm phó giáo sư thường được viết tắt là Assoc. Prof. từ chữ Asscociate Professor; không được viết là A. Prof. vì có thể nhầm lẫn với học hàm trợ lý giáo sư hoặc trợ giáo sư từ chữ Assistant Professor. Trợ lý giáo sư hoặc trợ giáo sư nên viết tắt là Assist. Prof.
  • Học hàm giáo sư thường được viết tắt là Prof. từ chữ Professor.
  • Nếu học vị, học hàm gắn liền với ngành chuyên môn nào được đào tạo thì ghi bổ sung thêm vào phần học vị, học hàm.

Hiện nay ngành y tế có thêm chức danh bác sĩ chuyên khoa I và bác sĩ chuyên khoa II cũng là những người có chuyên môn cao thực hiện nhiệm vụ thực hành khám chữa bệnh tại bệnh viện hoặc công tác y tế dự phòng. Bác sĩ chuyên khoa I tương đương với học vị thạc sĩ khoa học và bác sĩ chuyên khoa II tương đương với học vị tiến sĩ. Muốn có học vị này thì bác sĩ chuyên khoa I hoặc bác sĩ chuyên khoa II phải được đào tạo bổ sung thêm một số chứng chỉ, thủ tục cần thiết và ngược lại thạc sĩ, tiến sĩ cũng có thể chuyển đổi thành bác sĩ chuyên khoa I và bác sĩ chuyên khoa II. Học vị thạc sĩ, tiến sĩ thường phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học; còn bác sĩ chuyên khoa I và chuyên khoa II phục vụ công tác thực hành chuyên môn y học. Những người có học hàm giáo sư, phó giáo sư là những người tham gia công tác giảng dạy đại học, sau đại học; kể cả công tác nghiên cứu khoa học ở bậc cao.

Theo Đại học Bà rịa- Vũng tàu