>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Bộ GD&ĐT thông báo một số nội dung về kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh Đh, CĐ năm 2014 như sau:

1. Thi tốt nghiệp THPT:

- Về số môn thi: Giảm số môn thi từ sáu môn như các năm trước đây (trong đó có 3 môn cố định biết trước là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và ba trong số các môn Vật, lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử) còn bốn môn gồm hai môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn; hai môn tự chọn trong số các môn vật lí, hóa học, sinh học, địa lí, lịch sử, ngoại ngữ.

- Về cách thức chọn môn thi: Thay việc Bộ quyết định và công bố tất cả các môn thi bằng việc học sinh được tự chọn 2 môn thi theo nguyện vọng cá nhân.

- Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp: Thay việc chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp bằng việc sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xết loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50%+50%).

2. Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014:

- Các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các điều kiện quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được tự chủ tuyển sinh; đồng thời Bộ GĐ&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chung. Các trường tuyển sinh riêng có thể kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh.

- Một hội đồng tư vấn sẽ giúp Bộ GD&ĐT xác định tiêu các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây.

3. Những điều chỉnh trên nằm trong lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo NQ 29-NQ/TƯ về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng: 1) Chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi. 2)Nội dung của mỗi bài thi bao gồm phần cơ bản (để đánh giá đúng và toàn diện năng lực của học sinh, tạo động lực để học sinh học, phát triển toàn diện) và phần nâng cao (nhằm phân loại học sinh, là một căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh). Trên cơ sở đó hướng tới một kỳ thi đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Bộ sẽ sớm đưa ra dự thảo phương án thi để xin ý kiến các chuyên gia, các cơ sở giáo dục ĐH, phổ thông và toàn xã hội nhằm hoàn thiện để công bố trước khai giảng năm học 2014 – 2015.

Nội dung buổi họp báo do Bộ GD&ĐT tổ chức

(24/2/2014. Quý Hiên, Vĩnh Hà ghi)

Phóng viên các báo Tuổi trẻ TP HCM, Thanh Niên, Dân trí, VOV điện tử,  Giáo dục TP HCM  hỏi một số câu về việc xét tốt nghiệp, cách ra đề thi, cách tổ chức thi ở các địa phương, lộ trình một kỳ thi quốc gia, lịch thi, điểm sàn.v.v…

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng GD, Bộ GD&ĐT trả lời:

Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp, chúng tôi sẽ cụ thể điều này trong thông tư ban hành quy chế thi và xét tốt nghiệp THPT. Yêu cầu là điểm thi 4 môn chiếm 50% trọng số, điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 chiếm 50% trọng số. Kết quả này sẽ đưa vào cơ sở dữ liệu của của hội đồng thi trước khi kỳ thi diễn ra. Sau đó không ai sửa được nữa.

Về điểm sàn đại học 2014

Về điểm sàn, sẽ có một hội đồng tư vấn để giúp Bộ xác định tiêu chí làm sao hợp lý hơn, khoa học hơn, thay cho một tiêu chí duy nhất hiện nay là điểm sàn. Cụ thể thế nào, sắp tới đây chúng tôi sẽ đề xuất các phương án, sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ sở giáo dục ĐH, trên cơ sở đó hội đồng tư vấn giúp lãnh đạo Bộ chọn được phương án tốt nhất.

Về cách ra đề của kỳ thi tốt nghiệp năm nay:

Về căn bản chúng ta vẫn giữ nguyên. Các môn toán, văn, lịch sử, địa lý vẫn thi tự luận. Còn hóa, sinh, lý vẫn thi trắc nghiệm. Riêng ngoại ngữ hướng tới đánh giá toàn diện hơn các kỹ năng của học sinh thì năm nay sẽ có phần tự luận cùng với trắc nghiệm.

Cách tổ chức thi: Để tránh rủi ro xảy ra chúng tôi sẽ tổ chức thi theo cách sau: Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi và phòng thi sẽ được xếp theo môn; Trong mỗi ca thi có duy nhất một môn thi (như vậy loại trừ việc trong một phòng thi có thí sinh này thi môn nọ thí sinh khác thi môn kia).

Hiện nay chúng tôi dự kiến phương án tổ chức thi như sau: Ngày 1 – sáng thi văn và hóa; chiều thi vật lý, lịch sử. Ngày 2 – sáng thi toán, ngoại ngữ; chiều thi sinh học và địa lý. Sau mỗi ca thi có ít nhất 75 phút để thực hiện các thao tác kỹ thuật cho ca thi tiếp theo. Việc xếp văn với hoá, sử với vật lý… cùng buổi là có ý để giảm thiểu tối đa việc một học sinh phải thi 2 ca trong/ buổi.

Trong hai – ba năm gần đây chúng ta đã điều chỉnh việc dạy theo hướng tổng hợp. Trong đề thi của cả hai kỳ thi chúng ta đã đưa ra các câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải sử dụng các kiến thức tổng hợp, các kiến thức xã hội để giải quyết vấn đề. Hướng này sẽ được tiến hành dần từng bước, từ đơn giản đến phức tạp, từ nông đến sâu, từ diện hẹp đến diện rộng, để đến một lộ trình nào đó việc đổi mới phương pháp dạy học phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp thì chúng ta sẽ tiến tới mục tiêu chuyển từ bốn môn thi thành bốn bài thi.

Phóng viên báo Tiền Phong hỏi hai câu.

Một, “bốn bài thi”trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có liên quan gì tới “bốn môn thi” của kỳ thi năm nay? Hai, trong một hội nghị gần đây đa số ý kiến ủng hộ việc miễn thi tốt nghiệp cho 20% thí sinh nhưng trong công bố chính thức lại bỏ phương án này, tại sao có sự thay đổi đột ngột đó?

Ông Mai Văn Trinh: Về một kỳ thi quốc gia trong tương lai, Bộ GD&ĐT sẽ sớm xây dựng dự thảo đề án, trong đó có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này của bạn. Vì thế giờ tôi chỉ có thể trả lời một cách ngắn gọn như thế này: Việc chúng ta định hướng tổ chức kỳ thi có bốn bài thi là tiệm cận với cách thức mà các nước tiên tiến trên thế giới hay dùng. Việc tiệm cận đó phải bắt đầu từ những viên gạch đầu tiên. Việc thi bốn môn có ý nghĩa như thế, là những bước đi ban đầu.

Về miễn thi thì đây là một chủ trương đúng nhằm tạo động lực khuyến khích học sinh thực sự có năng lực. Chính vì vậy sau khi dự thảo phương án đề xuất miễn thi thì có nhiều ý kiến cho rằng cần phải miễn thi nhiều hơn. Tuy nhiên, sau khi trao đổi đặc biết là với các cơ sở quản lý GD chúng tôi nhận thấy do điều kiện khách quan khác nhau nên điều kiện dạy học của các vùng miền, của các địa phương ở trong nước rất khác nhau. Thứ hai, quy định này cũng có phần gây phức tạp cho các địa phương trong việc triển khai. Với tinh thần cầu thị nghiêm túc Bộ chủ trương trong năm nay không triển khai mở rộng diện miễn thi nữa.

Phóng viên báo Lao Động hỏi bốn bài thi nghĩa là bốn lĩnh vực hay bốn môn hay bốn… cái gì!

Ông Mai Văn Trinh: Câu hỏi này đòi hỏi câu trả lời đi sâu vào nội dung cái đề án mà các bạn sẽ có dịp được Bộ mời đến thảo luận thêm. Còn tại thời điểm này chúng tôi chưa thể nói rõ bốn cái bài thi này sẽ làm cụ thể thế nào.

Phóng viên Vietnamnet hỏi việc thay đổi môn ngoại ngữ thành môn tự chọn thay vì khuyến khích như dự định ban đầu. Ban đầu, Bộ nói rằng đưa ngoại ngữ thành môn khuyến khích là do việc dạy học ngoại ngữ có nhiều bất cập, nếu tiếp tục thi ngoại ngữ mà không khắc phục được những bất cập đó là làm chậm lại tiến trình đổi mới. Vậy bây giờ đưa môn ngoại ngữ vào tự chọn trong khi chưa khắc phục được những bất cập đó thì Bộ có làm chậm tiến trình đổi mới?

Ông Mai Văn Trinh: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì môn ngoại ngữ rất quan trọng. Hiện Bộ thực hiện những giải pháp rất căn bản là để hướng tới tầm nhìn đó. Cho dẫu đưa môn ngoại ngữ là môn khuyến khích hay môn tự chọn, chúng ta vẫn đánh giá đúng vai trò của môn này. Nhưng việc đưa môn ngoại ngữ thành môn tự chọn là trên cơ sở tiếp thu những góp ý, những nguyện vọng của học sinh, của xã hội. Câu chuyện chắc chắn, môn ngoại ngữ sẽ đi đến lộ trình là môn thi bắt buộc, nhưng khi đố hình thức thi môn này sẽ linh hoạt hơn và toàn diện hơn.

Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT: Tôi xin trở lại với câu hỏi của chị Quý Hiên báo Tiền Phong để làm rõ thêm một chút nữa bởi tôi là người tham gia chuẩn bị cho chương trình sau năm 2015.

Hiện nay chúng ta thi theo môn, còn quốc tế họ thi theo bài thi tổng hợp. Trong những bài thi đó nó đo nhiều chỉ số không chỉ là kiến thức mà của các môn mà còn bao nhiêu kỹ năng khác nữa…Ví dụ môn toán không chỉ có toán mà thông qua toán còn tích hợp với tin học, tích hợp với chỉ số đánh giá năng lực tư duy, kiến thức, ứng dụng của môn toán…Môn văn có đọc hiểu, ở nước ngoài rất coi trọng năng lực đọc hiểu, rồi viết. Đọc hiểu cũng tổng hợp, viết cũng tổng hợp.

Trong khi chúng ta chưa thực hiện được hai bài thi thì chúng tôi dự định bốn bài sẽ bao được hết các năng lực. Khi chúng ta dạy kiến thức môn hóa thì không có nghĩa chỉ có môn hóa. Học sinh vật nhưng có thể kiểm tra được kiến thức toán, lý trong đó…, thế giới gọi là môn science – môn khoa chọ. Ở nước ngoài người ta thường có những câu hỏi về môn khoa học chung, những hiểu biết thông thường để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Họ dạy theo cách một vấn đề phải huy động nhiều kiến thức, hiểu biết, nhiều năng lực khác nhau để giải quyết chứ không dạy một cách hàn lâm.

Hướng bốn bài thi là bốn bài về các lĩnh vực cơ bản mà học sinh phải đối mặt trong cuộc sống, chương trình sau năm 2015 sẽ xây dựng theo hướng tích hợp những kiến thức như thế. Đương nhiên việc này cần phải nghiên cứu kỹ như anh Trinh nói. Tôi là người nằm trong tiểu ban xây dựng chương trình sẽ có đó là định hướng để tổ chức chương trình các môn học như thế nào đó để phù hợp với xu hướng trên thế giới.

Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ GD ĐH: Những điều chỉnh vừa rồi là kết quả việc tiếp thu một cách có hệ thống các ý kiến đóng góp của xã hội, các nhà giáo, cán bộ quản lý và cả của các cơ quan thông tin đại chúng. Thứ hai, qua những điều chỉnh đó cho thấy Bộ đã nhận phần khó khăn vất vả về phía mình, để cho người học phần thuận lợi hơn.

Thứ ba, liên quan tới tiêu chí để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển phù hợp hơn, tôi muốn nói thêm chút này thôi. Trước đây có hội đồng tư vấn giúp việc cho bộ trưởng để xây dựng điểm sàn. Năm 2012- 2013 chúng ta đưa phương án lên diễn đàn xin ý kiến và đặc biệt có rất nhiều nhà giáo, nhà quản lý đã có ý kiến trong việc xây dựng phương án điểm sàn, vì thế Bộ đã có những điều chỉnh. Từ việc xác định điểm sàn dựa vào tổng nguồn tuyển và chỉ tiêu, chúng ta chuyển sang phương án dựa vào phổ điểm.  Năm nay thì chúng ta không xác định tiêu chí xây dựng điểm sàn nữa mà sẽ có các tiêu chí để đảm bảo nguồn tuyển. Sẽ có hội đồng tư vấn cho bộ trưởng về việc này. Chúng tôi sẽ mở diễn đàn để xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, nhà giáo, quản lý… và đặc biệt các cơ quan ngôn luận. Trên cơ sở đó hội đồng điểm sàn sẽ có cân nhắc, quyết định và sẽ có một báo cáo cụ thể.

Phóng viên báo Thanh Niên hỏi thời gian phần thi luận trong môn ngoại ngữ của kỳ thi tốt nghiệp. Việc thi cả tự luận ở môn này có áp dụng với kỳ thi tuyển sinh ĐH?

Ông Mai Văn Trinh: Môn ngoại ngữ chúng ta thi 60 phút. Riêng môn ngoại ngữ với kỳ thi ĐH có lẽ chúng ta vẫn giữ ổn định như các năm.

Báo Tiền Phong hỏi lý do giữ sự ổn định đó là vì mình không chuẩn bị đủ điều kiện kỹ thuật cần thiết hay căn cứ vào cơ sở khoa học nào?

Ông Mai Văn Trinh: Do tính chất của hai kỳ thi nó khác nhau nên yếu tố kỹ thuật ở đây là yếu tố căn bản. Về cơ sở khoa học thì rõ ràng phải nghe nói đọc viết thì mới đánh giá được tất cả các kỹ năng người học của môn ngoại ngữ. Nhưng trong điều kiện cụ thể của mình, tính chất kỳ thi như vậy, rồi đội ngũ giáo viên, thời gian, kỹ thuật như vậy… chúng ta sử dụng đề thi như thế nào là điều phải tính dần.

Báo Tiền Phong nhắc ông Trinh vẫn chưa trả lời câu hỏi của báo Thanh Niên là phần luận trong bài thi ngoại ngữ chiếm bao nhiêu phần trăm số điểm trong bài thi.

Ông Mai Văn Trinh: Chỗ này nếu nói thì động vào vấn đề kỹ thuật rất sâu, ban đề chúng tôi sẽ thảo luận.

Báo Phụ nữ Thủ đô: Phương án học sinh được tự chọn môn thi trong số các môn học, nhiều ý kiến lo ngại như thế này trong tương lai một số môn như môn lcihj sử chẳng hạn gần như không có học sinh nào chọn, như thế càng học lệch. Bộ thấy thế nào?

Báo Dân Trí: Theo phương án mới mỗi buổi thí sinh thi tối đa hai ca. Bình thường mỗi buổi thi một môn đã căng thẳng rồi, giờ thi hết môn này 75 phút sau thi tiếp môn nữa, liệu điều đó có tạo áp lực quá không?

Ông Mai Văn Trinh: Chúng ta hơi lạm dụng chữ “học lệch”, một chữ rất thú vị. Chúng ta, những người ngồi ở đây, không biết có học toàn diện không? Chắc cũng học lệch thôi. Các bạn nhà báo chắc là nghiêng về xã hội hơn.

Năm nay ta sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình vào việc xét kết quả tốt nghiệp. Để có kết quả tốt các em đã phải có một quá trình và quá trình đó được đưa vào để xét công nhận tốt nghiệp, đây là một phương án căn bản giải quyết việc học lệch. Thứ hai, chúng ta phải quan niệm về học lệch khác một chút. Xét từng học sinh thì đúng vì các em chỉ chọn hai môn. Nhưng xét trong tổng số học sinh dự thi tốt  nghiệp năm nay trong phạm vi đất nước VN thì trước đây ta chỉ thi sử với lý thì chỉ hai môn đó mới được quan tâm, nhưng giờ xét trong tất cả tổng số học sinh ta có sáu môn tự chọn đều được chọn. Như vậy xét về bình diện quốc gia ta sẽ học đều hơn. Trước đây ta có hai môn thôi, giờ có đầy đủ 6 môn. Như vậy xét về tổng thể là ta được.

Một bạn hỏi nữa là có căng thẳng không? Thời gian thi các môn trắc nghiệm chỉ 60 phút/môn. Chúng tôi cố tình sắp xếp các môn theo cách hớp lý. Ví dụ lịch sử với vật lý thi một buổi, văn với hoá học thi mội buổi… Đây là những cặp môn học tương đối cách xa nhau về lĩnh vực. Chúng tôi còn tính đến khả năng của các thí sinh. Thường các em chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi ĐH nên khả năng thí sinh dự thi 2 môn/ buổi thi là tương đối ít.

Báo Tiền Phong vẫn băn khoăn về đề thi của bốn môn năm nay. Bộ nói là tiệm cận với xu hướng ra đề thi tích hợp, vậy năm nay trong đề thi môn sinh có thể hỏi một số câu liên quan tới lĩnh vực hóa học, hay trong đề thi môn địa có một số kiến thức lịch sử.v.v… không?

Ông Mai Văn Trinh: Chỉ đạo của Bộ trong việc ra đề là theo nguyên lý không làm khó nhà trường và học sinh. Việc chuyển đổi cách ra đề phải theo logic từ thấp tới cao, từ đơn giản tới phức tạp. Việc này là trách nhiệm của ban đề. Nhưng chắc chắc là không gây khó cho học sinh, không làm sốc học sinh. Tuy nhiên phương châm của ta mà ban đầu tôi đã nói là tiếp cận dần, từ dễ tới khó, từ nông tới sâu. Như đề văn những năm trước chẳng hạn có cả kiến thức giáo dục công dân, cả kiến thức lịch sử.

Theo: Hocthenao.vn