1.Từ vựng tiếng anh học thuật là gì?

Hệ thống từ vựng học thuật là một trong những hành trang quan trọng của sinh viên để củng cố vốn tiếng Anh học thuật vững chắc cho việc học tập tại đại học nước ngoài. Từ vựng học thuật (academic vocabulary) là hệ thống các từ vựng tiếng Anh được sử dụng trong môi trường học thuật, cụ thể là trong các tài liệu, sách vở, trong các hoạt động như thảo luận, thuyết trình, hay trong các bài tập như viết luận, báo cáo. Từ vựng học thuật có thể ở tất cả các dạng thức của từ như động từ,danh từ, tính từ…Như vậy có thể thấy rằng vốn từ vựng học thuật mà bạn có sẽ có ảnh hưởng đến gần như tất cả các kỹ năng khác trong tiếng Anh học thuật. Xây dựng cho mình vốn từ vựng học thuật mạnh sẽ là một lợi thế lớn để bạn áp dụng tốt mọi kỹ năng học thuật trong môi trường đại học nước ngoài.

Cách học từ vựng tiếng anh học thuật hiệu quả

Cách học từ vựng tiếng anh học thuật hiệu quả

2. Học từ vựng tiếng anh học thuật như thế nào?

2.1. Làm quen với từ vựng học thuật qua các bài đọc theo chủ đề: Nếu như trước đây, bạn vẫn học tiếng Anh giao tiếp thông qua các chủ đề khác nhau trong mỗi giờ học, ví dụ như chủ đề ẩm thực, chủ đề các môn thể thao,… thì phương pháp học các từ vựng học thuật cũng không quá khác biệt. Cách làm quen với từ vựng học thuật cũng chính là các bài đọc theo chủ đề.

Ví dụ như khi đọc một tài liệu nghiên cứu về kinh tế, bạn sẽ nhìn thấy hệ thống từ vựng được sử dụng trong những câu chữ của bài, từ cách đặt vấn đề, các phân tích, giải thích và đưa ra quan điểm, và làm quen với những loại từ vựng được dùng trong đó. Hãy tưởng tượng nếu bạn học từ vựng học thuật bằng cách học thuộc lòng theo những danh sách từ vựng dài mấy trang giấy, việc nhớ từ vựng của bạn sẽ rất máy móc và không được hiệu quả. Khi học các từ vựng trong ngữ cảnh cụ thể, bạn không chỉ ghi nhớ từ đó dễ dàng hơn vì đã hiểu ngữ cảnh và chủ đề của bài, mà còn qua đó học được cách sử dụng từ và trường hợp, ngữ cảnh từ vựng đó được sử dụng để có thể áp dụng vào thực tế. Những bài đọc học thuật theo chủ đề chính là những ví dụ về cách sử dụng mẫu cho các từ vựng học thuật.

Trước một bài đọc học thuật theo chủ đề, để dễ dàng ghi nhớ các từ vựng học thuật trong đó. Trước tiên bạn hãy đọc lướt qua để nắm được nội dung chính của bài. Sau đó đọc kỹ lại để nhận biết các từ vựng học thuật được sử dụng và có thể đánh dấu những từ vựng đáng chú ý hoặc từ mới. Hãy cố gắng đoán nghĩa của các từ dựa vào ngữ cảnh, đó cũng là một cách giúp bạn nhớ từ nhanh hơn. Những từ ngữ học thuật thường mang sắc thái chuyên môn, trang trọng và nghiêm túc. Khi đứng trước một từ vựng mà bạn không chắc có phải là từ vựng học thuật không, có thể tra trong các danh sách từ vựng học thuật như đã nhắc ở trên để chắc chắn hơn. Hãy cố gắng đọc thêm thật nhiều các tài liệu học thuật để nhận biết các từ vựng đó và làm quen với cách sử dụng. Đọc càng nhiều, vốn từ vựng bạn có để sử dụng sẽ càng lớn

2.2. Đọc tin tức chuyên ngành: Tiếng Anh học thuật không chỉ được sử dụng trong môi trường đại học quốc tế để đọc hiểu và làm các bài tập mà còn là ngôn ngữ được sử dụng trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Vì thế sau những giờ học trên lớp, bạn có thể luyện tập thêm tiếng Anh học thuật qua nhiều phương tiện khác. Các tin tức chuyên ngành bằng tiếng Anh là một tài liệu đáng giá để làm quen với tiếng Anh học thuật. Những trang báo nổi tiếng như BCC, CNN, the Economists sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều bài báo về các chuyên ngành khác nhau. Đó chắc chắn là một nguồn tài liệu tuỵệt vời để bạn học các từ vựng học thuật. Những trang báo chính thống thường không phải dễ dàng để bạn có thể đọc lướt qua và hiểu ngay. Vì thế hãy dành thời gian đọc kỹ các tin tức, sử dụng từ điển tra những từ vựng chưa biết, nếu có điều kiện bạn có thể ghi lại.

Một điểm thuận lợi của việc học từ mới qua các tin tức hàng ngày đó là các dòng sự kiện sẽ được cập nhất mỗi ngày, các từ vựng được sử dụng sẽ được sử dụng nhiều trong các chuỗi bài báo, vô tình giúp bạn nhắc đi nhắc lại những từ mới để bạn nhớ hơn. Bên cạnh đó, việc học từ mới qua tin tức còn giúp bạn tạo thói quen về ngữ cảnh phù hợp với các từ vựng, giúp bạn có phản xạ lựa chọn từ ngữ trong các ngữ cảnh nhất định.

Ví dụ bạn thường theo dõi các tin tức chứng khoán trên báo Bloomberg, sau này khi làm các bài luận, báo cáo về đầu tư chứng khoán bạn sẽ có sẵn một ngôn ngữ nhất định mà bạn có thể chắc chắn là phù hợp và mang tính học thuật để sử dụng, bên cạnh đó việc đọc sách giáo khoa các môn tài chính về đầu tư, về thị trường chứng khóan cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

2.3. Sử dụng từ điển từ đồng nghĩa và danh sách từ vựng học thuật: Hãy biến cuốn từ điển bạn sử dụng để tra các từ vựng mới thành một công cụ để nâng cao vốn từ vựng bằng cách sử dụng từ điển từ đồng nghĩa (Thesaurus). Bản chất những từ vựng học thuật đôi khi là những cách diễn đạt mang tính học thuật của những từ mà chúng ta đã biết. Vì vậy có thể tìm được những từ vựng học thuật trong danh sách các từ đồng nghĩa trong từ điển. Tuy phương pháp này đôi khi có thể làm bạn choáng ngợp bởi quá nhiều từ mới một lúc nhưng cũng là một cách giúp bạn ít nhất có một chút cảm giác với những từ vựng mình chưa từng gặp. Sau đó mỗi lần đọc các tài liệu học thuật, bạn sẽ gặp lại những từ vựng đó và ghi nhớ chúng dễ dàng hơn.

Học thuộc những danh sách dài các từ vựng học thuật tưởng như là điều không thể. Tuy nhiên, ngoài các giờ tiếng Anh học thuật trên lớp, ngoài thời gian đọc các tin tức tài liệu đòi hỏi sự tập trung và căng thẳng, bạn có thể sử dụng những danh sách dài này một cách khôn khéo để bổ sung vốn từ vựng cho mình. Hãy chia danh sách ra thành các từ và nhóm từ nhỏ, viết lên những mảnh giấy hay bìa ghi nhớ và dán trong phòng mình ở những nơi hay nhìn thấy. Trong thời gian rảnh bạn có thể từ nghĩ ra các trò chơi với những mảnh bìa đó như ghép các từ cùng loại vào cùng nhóm, ghép từ với nghĩa của từ,… Hãy cùng tham khảo Academic Word List của từ điển Oxford Advanced Learner’s.

3. Phương pháp sử dụng từ vựng tiếng anh học thuật

3.1. Sử dụng từ đồng nghĩa thay thế cho những từ đã biết: Một phương pháp hiệu quả để sử dụng từ ngữ học thuật đó là thay thế các từ có cùng nghĩa cho những từ đã biết.  Chúng ta đã biết trong các bài luận học thuật, cần tránh sử dụng cụm động từ (phrasal verbs). Vì vậy, khi viết luận, bạn có thể nghĩ đến một cụm động từ quen thuộc trước, sau đó tìm một từ vựng học thuật đồng nghĩa với cụm động từ đó để thay thế.

Ví dụ: trong câu văn “In his attempt to establish absolute control, the dictator sought to wipe out all who were opposed to his rule”, cụm động từ “wipe out” có thể thay bằng từ vựng học thuật “eliminated” (loại trừ), một số ví dụ về các cụm động từ đồng nghĩa như: “find out” = “discover” (tìm ra), “look at” = “examine” (kiểm tra, xem xét), “churn out” = “produce” (tạo ra), “put together” = “assemble” (tập hợp)... Với phương pháp này, bạn còn có thể loại trừ được việc sử dụng cụm động từ trong các bài luận học thuật. Tuy nhiên để áp dụng thành thạo phương pháp này, bạn hãy bắt đầu bằng việc tích lũy cho mình một kho tàng các từ đồng nghĩa để có nhiều lựa chọn hơn trong quá trình nói hay viết.

3.2. Sử dụng từ ngữ với nghĩa cụ thể hơn: Trong các bài nói, viết mang tính học thuật, bạn cần tránh sử dụng những từ có nghĩa đại trà. Ví dụ như khi tổng hợp từ một bài đọc, bài nghiên cứu nào đó, thay vì sử dụng những động từ quen thuộc mang nghĩa chung như “say”, “show”, “report” (nói, cho thấy, báo cáo) lặp đi lặp lại nhiều lần, bạn cần nghĩ đến những từ vựng cụ thể hơn như  “outline” (phác thảo), “demonstrate” (làm rõ), “conclude” (kết luận), “note” (lưu ý), “support” (ủng hộ), “explain” (giải thích),…

Có thể thấy những từ vựng học thuật đã cộng thêm chi tiết và sắc thái vào những động từ chung thông thường. Ngoài ra, sử dụng những từ vựng có nghĩa cụ thể sẽ diễn đạt rõ ràng hơn mục đích của câu văn. Một trường hợp khác khi nói về các vấn đề chuyên môn, bạn cũng có thể tìm những từ ngữ mang nghĩa cụ thể hơn như thay vì “economic policy” (chính sách kinh tế) bạn có thể làm rõ ý của câu bằng “monetary policy” (chính sách tiền tệ) hay “fiscal policy” (chính sách tài khóa). Vì vậy, khi viết hay nói với mục đích học thuật, hãy chú ý đến những từ mang nghĩa chung và rộng để lựa chọn những từ vựng học thuật cụ thể phù hợp hơn, tăng tính thuyết phục cho bài nói hay bài viết.

3.3. Tránh sử dụng những từ vựng đơn giản thường ngày: Những từ ngữ thường ngày như “good”, “bad”, “little”, “big”, “really”, “just”… cần tuyệt đối tránh sử dụng trong môi trường học thuật. Bạn có thể tận dụng đặc điểm này để sử dụng những từ vựng học thuật thay thế. Thay vì “bad” bạn có thể dùng “negative”, thay cho “good” là “valuable”,…  các phó từ “really”, “just”,… cũng có thể thay bằng “absolutely”, “specifically”,… Trong ngôn ngữ thường ngày, bạn có thể nói “It caused a really big reaction”.

Tuy nhiên, cả phó từ “really” và tính từ “big” ở đây đều không mang tính học thuật, bạn có thể lựa chọn các cách viết sau “It caused a considerable reaction”, “It caused a dramatic reaction.” hay “It caused an explosive reaction.” . Cách sử dụng từ này đều giữ nguyên ý của câu  nhưng với sắc thái trang trọng hơn. Nếu bạn có thói quen nghĩ đến những từ ngữ đơn giản, hãy dành thời gian tìm những từ vựng học thuật phức tạp đồng nghĩa để tạo phản xạ sử dụng từ vựng học thuật cho mình.

Video giới thiệu Khóa học tiếng anh cơ bản - Academy.vn

3.4. Nâng cao tính khách quan của bài viết, bài nói: Đặc điểm của những bài viết, bài nói trong tiếng Anh học thuật đòi hỏi phải mang tính khách quan tối đa, đồng nghĩa với việc ngôn từ sử dụng cần thể hiện được tính khách quan đó. Đây là một tính chất đặc trưng khiến cho việc sử dụng ngôn từ trong tiếng Anh học thuật khác với việc sử dụng ngôn từ trong tiếng Anh thông thường.

3.5. Bắt đầu câu với “It”: Một phương pháp bạn có thể sử dụng khá hiệu quả là bắt đầu câu với “It” khi đưa ra các quan điểm và cùng lúc sử dụng các động từ, tính từ kết hợp để thể hiện sắc thái của quan điểm đó. Với chủ ngữ “It”, bạn sẽ tránh được việc sử dụng các chủ ngữ mang tính cá nhân và chủ quan như  “I”, “We”, “Some people”,…  và thay vào đó là một chủ ngữ giả định. Ngoài ra, chúng ta đã biết mẫu câu bị động thường được sử dụng nhiều trong tiếng Anh học thuật, và “It” là một cách mở đầu câu bị động mà bạn nên sử dụng như “It is said that…”, “It is concluded that…”. Với chủ ngữ “It” mở đầu, bạn có rất nhiều cách để tiếp tục câu văn, lựa chọn các động từ, tính từ phù hợp với sắc thái đưa ra quan điểm.

Ví dụ khi bạn muốn khẳng định chắc chắn một quan điểm, thay vì cách nói thông thường như “Of course”, hãy dùng “It goes without saying that…”; khi nêu một quan điểm đã rõ ràng, “It is quite clear that…” là cấu trúc phù hợp, đồng nghĩa với “obviously”; ngoài ra khi nói về những ý kiến thường thấy, thay vì “Some people say that…”, cụm từ mang tính học thuật khách quan hơn là “It is often argued that…”, “It is sometimes suggested that…”, “It could be argue that…”; với một quan điểm chưa chắc chắn, có thể dùng “It is likely that…” thay vì “probably”.

3.6. Bắt đầu câu với  “There”: Tương tự với “It”, “There” cũng là một cách khác để bắt đầu những câu văn nêu quan điểm khách quan.  Ngoài ra nếu ghi nhớ và sử dụng linh hoạt các danh từ, tính từ, phó từ kết hợp với “There”, bài viết của bạn sẽ hay và gây ấn tượng hơn về sử dụng ngôn từ. Hãy tham khảo một số cách đưa ra quan điểm với “There” trong tiếng Anh học thuật:

- There is not a shadow of doubt that…, There can be no doubt that… (chỉ một quan điểm chắc chắn, không còn nghi vấn gì)

-  There is the possibility that…, There is a strong likelihood that… (chỉ một khả năng có thể đúng)

-   There are those who maintain that…, There is a school of thought that… (chỉ một số quan điểm thường gặp)

3.7. Sử dụng chủ ngữ “One” : Như đã biết, trong các bài luận học thuật, nếu bạn sử dụng những chủ ngữ như “I”, “We”, những quan điểm đưa ra sẽ có sắc thái cá nhân và chủ quan. Tuy nhiên, việc tránh sử dụng những chủ ngữ này lại không hề dễ dàng, vì có những thời điểm bạn cần đưa ra nhận xét, quan điểm, phán đoán, do bản thân mình đưa ra dựa vào những bằng chứng, tài liệu, phân tích có cơ sở một cách hợp lý, hơn nữa những mẫu câu như “It…”, “There…” không thể lặp đi lặp lại quá nhiều trong cùng một bài. Trong những trường hợp này, bạn có thể sử dụng chủ ngữ “One” thay thế. Ví dụ như: “One could say that…”, “One could foresee that…”, “One might expect that…”, “One could draw the conclusion that…”. Ở đây, “One” là một chủ ngữ chỉ chung chung và tránh đề cập đến những ngôi chủ quan như “I”, “We”. Kết hợp với các từ ngữ chỉ trạng thái và các động từ “expect”, “predict”, “conclude”…., bạn đạt được sắc thái khách quan cho bài viết của mình.

Theo Dân Trí