Video có thể bạn quan tâm: Khoá tiếng anh cơ bản

Khoá học tiếng anh cho người mới bắt đầu - Click để tham gia

Mỗi trường Đại học sẽ có những cách tiếp cận khác nhau đối với mỗi ngành học, chính vì thế, bạn cần nhìn nhận kĩ lưỡng về ngành học ưa thích của bản thân cũng như chất lượng đào tạo ngành học này của trường Đại học đang ở trong "tầm ngắm" rồi hẵng quyết định. Dưới đây là một số yếu tố có ảnh hưởng lớn đến quyết định chọn ngành khi du học của bạn.

Đại học có thật cần thiết?

Trước nhất, có lẽ nên xác định rõ ràng Đại học không phải là một sự bắt buộc. Không phải tất cả bạn bè đều vào Đại học hay vì bố mẹ bạn muốn "nở mày nở mặt" mà buộc lòng phải chọn con đường này. Nếu bản thân cảm thấy mình không phù hợp với môi trường Đại học, tốt nhất là bạn hãy đi theo những hướng khác. Nếu muốn theo đuổi một cái nghề nào đó hay những kiến thức nằm ngoài khuôn khổ của trường Đại học (ví dụ như học làm bartender, học make-up…) thì cách tốt nhất là tham gia những khóa học nghề hay xin học việc.

Các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định chọn ngành khi du học

Các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định chọn ngành khi du học

Có sở thích & đam mê

Hai điều quan trọng nữa khi chọn ngành đó là sự yêu thích và khả năng bản thân. Nếu không thích những bộ môn thuộc chuyên ngành nào đó, liệu bạn có thể "trụ vững" được trong ba năm? Nên nhớ rằng chính đam mê và động lực học hành cũng sẽ quyết định phần nào sự thành công của việc học. Thử bước vào thư viện và chờ xem đôi chân bạn sẽ tiến về hướng có những đầu sách thuộc lĩnh vực nào, khi đó bạn sẽ biết mình thích học gì.

Đôi khi cũng có những người chọn học những ngành có vẻ như chẳng liên quan với hướng đi của nghề nghiệp. Nhiều người chọn học Luật để có được kĩ năng tư duy logic, khả năng đánh giá vấn đề một cách sâu sắc… Nói tóm lại, trình độ Đại học sẽ hướng dẫn bạn cách làm thế nào để sử dụng não bộ của mình một cách hiệu quả, đồng thời mang lại cho bạn những kĩ năng hữu ích cho nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau.

Có năng lực thực sự

Tất nhiên là nếu có đam mê mà không có năng lực thì bạn cũng sẽ khó mà học tốt. Những người học Toán quá tệ tất nhiên sẽ khó có thể thành công với ngành Kinh tế. Bất kể ngành học nào cũng yêu cầu bạn phải có khả năng Tiếng Anh và Toán ở trình độ Trung học phổ thông hoặc tương đương. Mỗi ngành sẽ có những yêu cầu khác nhau về bộ môn liên quan. Chẳng hạn như nếu muốn vào học ngành Y, bạn phải có điểm cao môn Hóa ; muốn vào học Kỹ sư phải giỏi Toán, Lý. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến các khả năng khác như tin học, ngoại ngữ, ngoại khóa để ghi điểm trong mắt ban tuyển sinh.

Chọn ngành liên quan tới nghề nghiệp mơ ước

Có thể bạn đã biết công việc mình yêu thích trong khi còn đang phân vân về ngành học. Cách tốt nhất là đọc các thông tin về nội dung khóa học (môn học, xu hướng ngành nghề của sinh viên sau khi ra trường, các bảng xếp hạng…) và tìm hiểu hướng đi của những người đi trước để có sự lựa chọn cho riêng mình.

Có nhiều ngành học nhất thiết bạn phải học đúng chuyên ngành mới mong "hành nghề" được, chẳng hạn như Sư phạm hay Y khoa. Nhưng ngược lại, nếu nghề nghiệp mơ ước của bạn còn quá mơ hồ thì bạn cần học những ngành có tính khái quát, như Lịch sử, Sinh học, Địa lý hay Tâm Lý. Biết đâu trong quá trình theo học, bạn sẽ tìm ra được những công việc chuyên sâu cho mình (chẳng hạn như làm chuyên gia tâm lý cho các vấn đề về bạo hành gia đình, nhà khảo cổ học chuyên về một thời kỳ nào đó…) Cuối cùng, bạn cũng nên tìm đến những người thân cận như thầy cô, gia đình, bè bạn để thăm dò ý kiến của họ. Đây là những người hiểu rõ về sở thích và khả năng của bạn nhất để đưa lời khuyên.

Những lưu ý khi chọn ngành học trước khi làm hồ sơ du học

Lựa chọn ngành học luôn là vấn đề đau đầu với các bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội du học Mỹ, du học Anh hay du học Úc. Vừa tốt nghiệp cấp 3 hiểu biết về các ngành học vẫn còn rất mơ hồ mà chọn ngành học không phù hợp với bản thân thì chẳng khác nào “sai một li đi một dặm”. Khi cân nhắc nghành học các bạn không nên bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các ý kiến bên ngoài vì không ai hiểu mình bằng chính bản thân mình. Bạn sẽ là người hiểu bản thân mong muốn điều gì cho tương lai và phù hợp với những lĩnh vực nào. Nếu có niềm đam mê, nhiệt huyết với ngành mà mình theo đuổi chắc chắn bạn sẽ thành công.

Tránh tâm lý đám đông

Rất nhiều các bạn theo học một ngành nghề nào đó với tâm lý “ai cũng học”. Do thiếu hiểu biết về thông tin các ngành, thêm nữa tại Việt Nam, các chương trình hướng nghiệp, giới thiệu ngành học vẫn đang còn rất hạn chế. Do đó thông tin chủ yếu mà các bạn nhận được thường là từ “xu hướng” mà vô hình chung quên mất điều quan trọng nhất là bạn có thực sự đam mê ngành học đó không? Không ít các bạn trẻ sau khi đi du học trở về đã phải chọn làm trái ngành nghề mà mình học do không có cơ hội làm đúng ngành, hay cảm thấy không phù hợp với ngành đó. Thậm chí có những bạn bỏ ngang ngành học để “nhảy” sang ngành khác vì phát hiện ra không phù hợp. Điều này vừa làm lãng phí tiền bạc và thời gian của bạn.

Dẫn chứng cụ thể của những lựa chọn chạy theo “thời đại” là các ngành học về công nghệ thông tin và chứng khoán. Khi ngành IT nổi lên từ năm 2000, rất nhiều các bạn trẻ và các bậc phụ huynh đua nhau cho con em đi du học về công nghệ thông tin. Tuy nhiên trong thời gian học tập xa xứ, thị trường việc làm trong nước của ngành này cũng phát triển không kém, dẫn đến cơ hội việc làm dần thu hẹp và cạnh tranh cao hơn. Tương tự cho các ngành về chứng khoán. Khi chứng khoán mới du nhập về Việt Nam các bạn trẻ lại chạy theo du hướng này, nhưng biết đâu thị trường chứng khoán tại Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ đủ để cung cấp quá nhiều cơ hội việc làm với những mức lương cao tương xứng với kỳ vọng của các du học sinh.

Nắm bắt xu hướng chung của xã hội là một điều tốt, tuy nhiên bạn cũng nên cân nhắc đến những yếu tố quan trọng khác như khả năng và niềm đam mê của bản thân cũng như thị trường việc làm của ngành đó trong tương lai (chứ không phải hiện tại).

Ngành gì cũng được miễn là đi “Tây”

Lan Anh (du học sinh Anh) cho biết: “ mình với đứa bạn cùng nhau đi du học, nên hai đứa chọn ngành học giống nhau để có đôi có cặp”. Những suy nghĩ kiểu này không hề hiếm trong giới du học sinh. Tâm lý là học ngành gì cũng được, miễn là đi du học là những nguy cơ tiềm ẩn gây nên sự bất mãn, chán chường hay thiếu động lực của những bạn chọn sai ngành nghề mà lúc đó đã quá muộn để thay đổi.

Có những bạn lên kế hoạch cho cả quãng thời gian du học của mình, đi những đâu, làm gì, chơi gì, tuy nhiên điều quan trọng nhất là học ngành gì thì các bạn lại rất mơ hồ. Hay có những bạn xác định đi là để mở mang tầm mắt, tiếp cận cuộc sống văn mình, để thay đổi bản thân chứ học ngành gì thì cũng….không quan trọng mấy. Tuy nhiên khi đã điền vào hồ sơ xin học, bạn đã đặt cả tương lai bạn vào đó. Trải nghiệm của sống là quan trọng nhưng nếu bạn không có kiến thức về chuyên ngành học thì không gì có thể đảm bảo rằng bạn sẽ có một tương lai sự nghiệp thành công khi trở về nước.

Thành công hay thất bại đều là do bạn lựa chọn, nếu bạn có những chọn lựa đúng đắn ngay từ đầu, bạn sẽ có đủ nhiệt huyết, quyết tâm và chắc chắn sẽ có những thành công nhất định. Đây là tiền đề vững chắc để xây dựng sự nghiệp và tương lai của một cá nhân nên các bạn không nên xem nhẹ.

Bạn có thể tham gia đặt câu hỏi với các công ty tư vấn du học Uy tín qua email tại ô bên dưới.