>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


Các trường lo gặp khó khâu xét tuyển

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Đỗ Hòa

Tốp trên yên tâm xét tuyển ĐH, CĐ

Ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết: Nhìn chung đề thi THPT quốc gia có sự phân hóa thí sinh khá cao nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong khâu xét tuyển thí sinh.

Năm nay, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) quy định với các bài thi trắc nghiệm, tổ chấm điểm sẽ tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, lấy đến 0,25. Với các bài thi tự luận, việc chấm thi sẽ theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD-ĐT. Bài thi cũng được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25.

Theo ông Thụ, do điểm thi được lấy đến 0,25, các trường đại học, cao đẳng sẽ thuận lợi hơn trong khâu xét tuyển, bởi lượng thí sinh có mức điểm bằng nhau sẽ thấp hơn các năm. Hơn nữa, phần mềm quản lý thi của Bộ GD-ĐT cập nhật thông tin xét tuyển của các trường, từ đó thí sinh có thể đánh giá được khả năng đỗ trượt của mình vào một trường đại học. Do vậy, năm nay tỷ lệ chọi vào các trường đại học sẽ không cao.

Hiện một số trường lo lắng lượng thí sinh ảo sẽ tăng cao hơn so với mọi năm, do thí sinh có nhiều nguyện vọng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Về vấn đề này, ông Thụ đánh giá: "Ở nguyện vọng 1 sẽ không có thí sinh ảo, bởi ngay từ nguyện vọng này các trường đã xét tuyển gần đủ chỉ tiêu. Thí sinh ảo chỉ xảy ra ở những nguyện vọng bổ sung".

Top dưới "rối"

Là một trường thuộc tốp dưới, chủ yếu xét tuyển thí sinh ở nguyện vọng bổ sung, nên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương lo lắng lượng thí sinh ảo sẽ tăng cao hơn so với mọi năm. Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết: Đối với nguyện vọng bổ sung, sẽ có lượng thí sinh ảo. Hơn nữa, năm nay thí sinh có đến 3 nguyện vọng bổ sung, thời gian xét tuyển kéo dài đến tháng 11 nên lượng thí sinh ảo sẽ tăng hơn so với những năm trước.

Năm nay, thí sinh có nhiều nguyện vọng sẽ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nên nhiều trường tốp dưới lo lắng việc xét tuyển sẽ không đủ chỉ tiêu. Ông Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương băn khoăn: “Năm nay, việc xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả thi THPT quốc gia nên nhà trường sẽ bị động ở khâu này, không biết lượng thí sinh xét tuyển vào trường sẽ là bao nhiêu. Đối với Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương thí sinh sẽ nộp hồ sơ xét tuyển ở nguyện vọng 3 và nguyện vọng 4. Thời gian xét tuyển nguyện vọng này khá muộn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của sinh viên. Do vậy, kết thúc mỗi đợt xét tuyển nhà trường sẽ cho thí sinh nhập học và tổ chức lớp học cho các em.

“Ngoài ra, hiện các trường đại học mở rộng nhiều ngành nghề, điểm chuẩn vào một số trường cũng không cao nên việc xét tuyển của một số trường tốp dưới như Cao đẳng Sư phạm Trung ương cũng khó khăn vì lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sẽ thấp. Như vậy, ở một số ngành nhà trường sẽ không tuyển được đủ chỉ tiêu", ông Thọ cho biết.

Theo bà Đỗ Thị Kim Hảo, Phó Giám đốc Học viện Ngân Hàng, năm nay các trường đều công bố chỉ tiêu xét tuyển cho từng ngành, nhưng thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng. Nên có những trường đại học ở nguyện vọng 1 đã xét tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng lượng thí sinh nhập học có thể sẽ thấp hơn so với chỉ tiêu.

Theo ông Thụ: “Năm nay, việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn mới nên thí sinh và nhà trường chưa có kinh nghiệm trong việc rút hồ sơ và nộp hồ sơ xét tuyển. Ngoài ra, có thể xảy ra tình trạng thí sinh ồ ạt nộp hồ sơ vào những ngày đầu và đồng loạt rút hồ sơ vào những ngày cuối cùng ở mỗi đợt xét tuyển. Nhà trường sẽ rất vất vả trong những ngày này, do vậy, để tránh những tình huống không đáng có xảy ra, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… trong những ngày thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển".

Theo báo Hải Quan, tin gốc: http://www.baohaiquan.vn/pages/cac-truong-lo-gap-kho-khau-xet-tuyen.aspx