Đua nhau tư vấn tuyển sinh trước giờ G

Thời gian dành cho thí sinh làm hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm 2013 không còn nhiều. Đây là thời điểm nước rút đối với các trường trong việc tư vấn, quảng bá hình ảnh nhằm thu hút thí sinh dự thi vào trường mình.

Thời gian qua, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức 4 buổi tư vấn trực tuyến, trong đó mỗi buổi lại có những nội dung tư vấn cụ thể, giải đáp thắc mắc cho từng nhóm đối tượng thí sinh khác nhau. Ngày 9/3, các giảng viên của trường đã giải đáp các thắc mắc liên quan đến các ngành: Báo chí, Quan hệ công chúng, Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành, Đông phương học, Quốc tế học, Việt Nam học. Ngày 12/3, giải đáp thắc mắc về ngành: Chính trị học, Hán Nôm, Lịch sử, Nhân học, Triết học, Văn học.

Ngày 14/3 tư vấn tuyển sinh về các ngành:

Công tác xã hội, Ngôn ngữ học, Tâm lí học, Xã hội học. Riêng ngày 23/3, nhà trường tư vấn cho thí sinh việc ôn thi, sức khỏe mùa thi… Từ nay đến tháng 7, hàng tuần, Hội đồng tư vấn tuyển sinh của trường sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi của thí sinh trên mạng. Theo đó, thí sinh có thắc mắc có thể gửi câu hỏi về địa chỉ: [email protected].

ThS Đinh Việt Hải, Phó trưởng Phòng Đào tạo của trường cho biết: “Số thí sinh thi khối C của một số chuyên ngành các năm trước giảm, nhưng tổng số thí sinh thi vào trường vẫn không giảm. Điều đó chứng tỏ các khối ngành xã hội vẫn được nhiều thí sinh yêu thích. Do vậy, trường đẩy mạnh việc tư vấn để định hướng giúp thí sinh chọn đúng ngành mình yêu thích”. ( Xem thêm bài viết: Tỷ lệ đăng ký khối C thấp kỷ lục )

Kế hoạch tư vấn tuyển sinh khá rầm rộ tại các trường

Cùng với trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, năm nay Học viện Báo chí Tuyên truyền cũng có kế hoạch tư vấn tuyển sinh khá rầm rộ. Những thí sinh nào đến với Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp do báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ GD - ĐT tổ chức đầu tháng 3 tại Hà Nội, chắc hẳn không thể không “để mắt” đến gian tư vấn của Học viện Báo chí Tuyên truyền bởi sự xuất hiện của Á hậu Việt Nam 2012 Dương Tú Anh với tư cách là đại sứ cho hình ảnh của nhà trường. Đây được coi là một “chiêu độc” của Học viện nhằm quảng bá thế mạnh của một địa chỉ đào tạo nhân lực cho lĩnh vực truyền thông vốn rất nổi tiếng này.


Ngoài ra, Phòng Đào tạo của Học viện còn phối hợp với các khoa in tờ rơi, tờ gấp có thông tin đầy đủ về các chuyên ngành của từng khoa để cung cấp đến các thí sinh. TS. Nguyễn Thanh Hương, Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ cho biết, đây là năm đầu tiên Học viện triển khai chương trình tư vấn mùa thi đến từng khoa, tạo cơ hội cho các khoa tiếp cận trực tiếp với sinh viên tương lai của mình.

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM thì tổ chức riêng một ngày hội cho học sinh THPT đến tận trường tham quan, tìm hiểu môi trường học tập. Hoạt động này đã được trường triển khai trong suốt 6 năm qua. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, chi phí cho hoạt động này là khoảng 500 triệu đồng. Như vậy, mỗi trường đều có các hình thức tư vấn tuyển sinh khác nhau, số tiền chi cho hoạt động này cũng không hề nhỏ và mục đích cuối cùng của các trường là thu hút nhiều học sinh đến đăng ký dự thi vào trường mình.

Các trường đại học top dưới đua nhau thu hút thí sinh

Không chịu thua kém các trường “top trên”, các trường ĐH “top dưới” cũng có khá nhiều “chiêu” để “hút” thí sinh. Đại diện một trường CĐ khu vực phía Nam cho biết, năm nay trường tổ chức nhiều đoàn tư vấn đi đến từng trường THPT ở các tỉnh, thành để tư vấn cho học sinh. Khi được Ban giám hiệu các trường THPT đồng ý, đoàn tư vấn sẽ xin khoảng 5 - 10 phút trong giờ chào cờ đầu giờ để giới thiệu một số thông tin về trường và phát tờ rơi đến học sinh.

Trường ĐH Văn hiến thì lại dùng chính sách học bổng hấp dẫn để thu hút thí sinh.

Cụ thể, tất cả các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 khi trúng tuyển vào trường và có điểm trung bình năm học lớp 12 đạt từ loại khá trở lên sẽ được giảm 50% học phí cho năm học đầu tiên. Từ năm thứ 2 trở đi, việc cấp học bổng sẽ căn cứ vào thành tích học tập và rèn luyện của sinh viên trong năm học. Ngoài ra, trường cũng có học bổng dành cho những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, mồ côi cả cha lẫn mẹ, sinh viên ở vùng sâu vùng xa (có giấy chứng nhận theo quy định) với mức giảm 30% học phí cho năm học đầu tiên.

Trước thực tế các trường ĐH, CĐ “đua nhau” tư vấn, chắc chắn học sinh THPT sẽ được lợi. Thông qua đó, các em biết được mình phù hợp với nhóm ngành nào, trường nào để làm hồ sơ dự thi. Em Phạm Thị Ngọc (học sinh ở Hà Nội) cho biết: “Em thích nhóm ngành xã hội nhưng lại sợ sau khi tốt nghiệp ngành này sẽ khó xin việc. Tuy nhiên, sau khi được TS. Phạm Mạnh Hà, Khoa Tâm lí học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tư vấn trực tuyến, em đã tự tin hơn khi đưa ra quyết định chọn ngành dự thi. Nếu không có sự tư vấn này thì đến giờ em vẫn bối rối không biết mình có nên dự thi vào ngành này hay không”.