Các trường làm gì khi không còn thi "3 chung"?

Trước thời hạn tháng 9 bắt buộc phải trình Bộ GD&ĐT đề án đổi mới tuyển sinh, GS.TS. Phạm Quang Trung - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, có khả năng trường sẽ lại phải tự ra đề và tổ chức thi riêng nếu không còn “3 chung”.

Các trường đại học sẽ làm gì khi không còn thi 3 chung?
GS.TS. Phạm Quang Trung

Trong khi nhiều trường đã mạnh dạn tuyển sinh riêng ngay kỳ tuyển sinh năm 2014 thì phần lớn trường công lập như ĐH Kinh tế Quốc dân dường như vẫn án binh bất động?

Năm nay trường chúng tôi vẫn tổ chức thi như các năm trước, tuy nhiên không phải là không có đổi mới. Một trong những thành công của kỳ tuyển sinh năm nay của trường chính là việc loại ra rất nhiều hồ sơ ảo. Sau khi nhận hồ sơ đăng kí dự thi trường đã phát hiện hàng nghìn hồ sơ trùng lặp tên tuổi, ngày tháng năm sinh, trường học, nơi đăng ký hộ khẩu do thí sinh đăng ký vào nhiều ngành khác nhau của trường. Nhiều thí sinh đăng ký đến 3, 4 hồ sơ, thậm chí có thí sinh đăng ký tới 7 bộ hồ sơ vào các chuyên ngành khác nhau.
Phòng Quản lý đào tạo của trường đã có sáng kiến rà soát trên hệ thống máy tính và hồ sơ của thí sinh. Từ đó chính thức phát hiện và loại bỏ được 1.282 hồ sơ ảo của thí sinh đăng ký nhiều mã ngành. Tuy nhiên, để làm được việc này mà vẫn đảm bảo quyền lợi của thí sinh, trước đó, trường đã liên hệ với các thí sinh này và thống nhất chỉ bố trí một chỗ thi. điểm thi đại học Thí sinh cần chốt đăng ký một mã ngành duy nhất trong số các ngành đã nộp hồ sơ vào ngày làm thủ tục thi.

Với gần 18.000 hồ sơ, việc rà soát rất mất thời gian. Vậy hiệu quả của công việc này đến đâu, thưa GS?

Mặc dù mất thời gian nhưng bù lại chúng tôi tiết kiệm được 220 triệu đồng tiền thuê chỗ thi và in sao đề cho thí sinh “ảo”. Kèm theo đấy còn nhiều điều không quy đổi ra tiền được nhưng lại góp phần không nhỏ vào sự thành công trong công tác tổ chức thi, như lượng thí sinh thi vào trường không quá lớn đã tạo thuận lợi cho việc bố trí các điểm thi cũng như huy động giảng viên coi thi…
Các trường đại học sẽ làm gì khi không còn thi 3 chung?
Thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nghe phổ biến quy chế thi

Kết thúc đợt I tuyển sinh ĐH, với vai trò là Chủ tịch hội đồng tuyển sinh, GS cho biết đợt II, khâu tổ chức thi nào cần được coi trọng?

Đảm bảo an toàn, minh bạch trong kỳ thi được tất cả các trường chú ý. Hội đồng tuyển sinh cần chọn giám thị là những cán bộ, sinh viên có kinh nghiệm và trách nhiệm. Về công tác tuyên truyền các thiết bị công nghệ không được sử dụng trong phòng thi, chúng tôi chiếu hình ảnh minh họa về những phương tiện hiện đại đang lưu hành trên thị trường giúp các thày, cô dễ phát hiện trong quá trình coi thi như các thiết bị tai nghe truyền thông tin nhỏ gọn, bút gắn camera...
Thực tế có thể có phương tiện hiện đại hơn. Quan trọng nhất là giám thị phải nghiêm túc, quan sát đầy đủ đều phát hiện những hiện tượng này.
Hiện nay Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường trong tháng 9 bắt buộc phải đưa ra đề án đổi mới. Vậy trường đã có dự định gì cho đề án này, thưa GS?

Trường đang trong quá trình xây dựng đề án đổi mới công tác tuyển sinh để kịp hoàn thành dự thảo trình Bộ vào tháng 9 tới vì vậy cũng chưa thể công bố chi tiết nội dung nhưng tôi có thể khái quát lộ trình dự kiến từ năm 2015-2017 cơ bản vẫn tuyển sinh theo hướng hiện nay là thi theo các khối cơ bản A, A1, D1.

Hướng đổi mới đến năm 2020 thì trường vẫn đang để ngỏ vì phải cần khá nhiều thời gian xem xét, nghiên cứu các ngành đào tạo của trường cần những gì để đặt ra hình thức tuyển sinh đáp ứng yêu cầu đầu vào của từng ngành.

Tuy nhiên, sau năm 2016, Bộ GD&ĐT đã công bố sẽ dừng thi “3 chung”. Lúc đó trường dự kiến sẽ tổ chức tuyển sinh như thế nào?

Khi Bộ không ra đề thi chung, trường sẽ tự ra đề thi và tổ chức thi riêng. Tuy vậy, chúng tôi cũng còn có phương án 2. Theo đó, tôi đề xuất Bộ xây dựng trung tâm lưu trữ ngân hàng đề với số lượng câu hỏi rất lớn, đảm bảo an toàn khi ra đề thi. Chúng tôi cũng đã mời hơn 10 trường bạn góp ý xây dựng vào đề án đổi mới của trường. Khi có đề án chính thức, chúng tôi sẽ sớm trao đổi với báo chí để góp ý, hoàn chỉnh đề án.

Dự thảo đổi mới của trường chưa nhắc tới kỳ thi quốc gia mà Bộ GD&ĐT đang hướng tới?

Điều này chúng tôi chưa được nghe cụ thể, mới chỉ là dự kiến được Bộ nhắc tới. Trước khi chính thức đưa ra đề án một kỳ thi quốc gia thì các trường cũng chưa dám đưa định hướng này vào trong đề án đổi mới tuyển sinh của trường.

Theo tác giả Xuân An, báo Giao thông Vận Tải, http://giaothongvantai.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/xa-hoi/201407/cac-truong-lam-gi-khi-khong-con-thi-3-chung-505931/