>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ trên cả nước trong ngày đầu tiên đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT cho thấy vật lý, hóa học là những môn được nhiều học sinh lựa chọn. Trong khi đó, “hẩm hiu” nhất vẫn là môn lịch sử.

Theo ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), các trường THPT sẽ phải chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT mới cho học sinh đăng ký chính thức các môn thi tự chọn nhưng tới thời điểm này bộ vẫn chưa có hướng dẫn. Sốt ruột, nhiều trường THPT vẫn cho học sinh đăng ký môn thi.

Đăng ký môn thi tốt nghiệp: Các môn tự nhiên thắng thế

Theo thông tin nhiều trường THPT tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh... cung cấp thì các môn vật lý, tiếng Anh, hóa học là những môn có tỉ lệ học sinh đăng ký thi nhiều nhất, đứng đầu là vật lý. Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - cho biết mặc dù còn chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trước khi cho học sinh đăng ký môn thi chính thức, nhà trường vẫn ghi nhận nguyện vọng về môn thi tự chọn của học sinh. Theo đó có tới 80% học sinh đăng ký thi vật lý, 60% thi tiếng Anh, 34% thi hóa học, 16% thi địa lý. Môn sinh và lịch sử chỉ có 8% mỗi môn (tương đương 28 học sinh đăng ký thi).

Cô Cao Tố Nga - phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng - thông tin trường có 486/530 học sinh đăng ký thi môn vật lý, 323 em đăng ký thi hóa học, 242 em chọn tiếng Anh, 14 em chọn môn sinh. Hai môn lịch sử và địa lý, mỗi môn chỉ có hai học sinh đăng ký.

Đăng ký môn thi tốt nghiệp: Các môn tự nhiên thắng thế

Đăng ký môn thi tốt nghiệp: Các môn tự nhiên thắng thế

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức Hà Nội, việc đăng ký chọn môn thi của học sinh hiện nay mới chỉ mang tính thăm dò. Các em vẫn tiếp tục tìm hiểu, hỏi ý kiến tư vấn của thầy cô, cha mẹ và có thể thay đổi nguyện vọng khi đặt bút đăng ký chính thức. “Kết quả thăm dò của Trường Việt Đức cho thấy tỉ lệ đăng ký môn thi không quá chênh lệch, 62,2% chọn môn ngoại ngữ, 53,8% chọn vật lý, 46,5% chọn hóa, 20,2% chọn địa lý, 6,6% chọn sinh, 4,6% chọn lịch sử” - thầy Bình nói.

Một số thầy cô giáo các trường THPT tại Hà Nội đánh giá việc học sinh chọn môn thiên về khoa học tự nhiên cũng dễ hiểu vì tương ứng với tỉ lệ đăng ký khối thi đại học. Hơn nữa, với ưu thế là môn thi trắc nghiệm, ít thời gian, dễ gỡ điểm nên các môn vật lý, hóa học được nhiều học sinh chọn. Nhiều năm nay học sinh dự khối C rất ít, nên môn lịch sử không có nhiều học sinh chọn không có gì bất thường so với các năm trước. Chưa kể đây là môn buộc học sinh phải ghi nhớ máy móc, vốn không phải môn được yêu thích.

Khối C không chọn thi sử

Đó là chuyện xảy ra ở Trường THPT tư thục Hồng Đức (TP.HCM). Cụ thể, theo thầy hiệu trưởng Phạm Thanh Tâm, trường có tổng số 543 học sinh lớp 12 thì chỉ có 3 học sinh chọn thi môn sử; 27 học sinh chọn thi môn địa; số còn lại chọn thi lý, hóa, sinh và ngoại ngữ. Đáng chú ý là Trường Hồng Đức có hơn 20 học sinh thi đại học khối C. Ông Phạm Thanh Tâm giải thích: “Nhiều em thi khối C nhưng không chọn môn sử để thi tốt nghiệp vì cho rằng môn này khó kiếm điểm hơn so với lý, hóa”.

Ở Trường THPT Nguyễn Thái Bình (TP.HCM), ban đầu có gần 100 học sinh chọn thi môn sử nhưng khi nhà trường cho đăng ký chính thức thì chỉ 72/696 học sinh chọn môn sử. Trong khi đó, số lượng học sinh chọn môn địa lý có nhỉnh hơn: 116 em.

Tương tự ở TP Đà Nẵng, lịch sử cũng là môn ít được học sinh lựa chọn nhất. Thầy Lê Vinh, hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), cho biết trường đã khảo sát thử hai lần đối với học sinh về việc đăng ký môn thi tốt nghiệp. Trong số 1.001 học sinh lớp 12, số học sinh chọn thi tốt nghiệp môn sử là thấp nhất với 0,15%, sinh học 14%, địa lý 16%. Những môn có tỉ lệ đăng ký trên 50% là ngoại ngữ, vật lý, hóa học.

Tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), số học sinh chủ yếu chọn thi tốt nghiệp những môn sẽ thi ĐH. Chiếm phần nhiều là khối A, A1, D. Thầy Trần Văn Quang, hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, cho rằng: “Nói học sinh không chọn thi môn lịch sử đồng nghĩa với việc không học môn này là sai. Học thì đương nhiên các em vẫn phải học, còn thi là chuyện khác. Thi thì các em phải chọn môn nào mình có lợi thế nhất”.

Theo báo Tuổi trẻ