Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đạt được những kết quả ấn tượng

Sau 25 năm từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, ĐTNN ở Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến 2012 đã có hơn 14.100 dự án ĐTNN còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 206,8 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 97,63 tỷ USD. Nguồn vốn này đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển của Việt Nam thông qua tác động trực tiếp là bổ sung nguồn vốn (vốn ĐTNN chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội), khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất của một số ngành, đổi mới công nghệ, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đóng góp ngân sách (năm 2011 nộp ngân sách 3,5 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng thu ngân sách), góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm (trên 2 triệu lao động trực tiếp, từ 3 – 4 triệu lao động gián tiếp).

Hơn 235 triệu USD được đầu tư vào giáo dục

Trong lĩnh vực giáo dục, tính đến quý IV/2008 cả nước có 112 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 235 triệu USD. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tập trung chủ yếu tại 7 tỉnh, thành phố, trong đó riêng Tp. Hồ Chí Minh chiếm 56,25%, Hà Nội chiếm 30,3% tổng số dự án.

Các con số về đầu tư giáo dục có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam năm 2018 - Ảnh 1


Tính đến quý IV/2012 có 111 dự án có vốn nước ngoài tại 6 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Trong tổng số 111 dự án, Hà Nội có 44 dự án (39,6% tổng số dự án), Tp. Hồ Chí Minh có 51 dự án (45,9%). Các tỉnh, thành phố còn lại có 16 dự án (14,5%).

Các cơ sở đào tạo ngắn hạn có số lượng lớn nhất là 41 (chiếm 40%), các cơ sở giáo dục phổ thông (36 dự án, chiếm 32,4%), các cơ sở giáo dục mầm non (28 dự án, chiếm 25,2%), các cơ sở giáo dục đại học (6 dự án, chiếm 5,4%).

Nếu phân tách các cơ sở giáo dục phổ thông theo từng cấp học, số lượng các cơ sở giáo dục đa cấp (18 cơ sở) chiếm đến 50% tổng số cơ sở giáo dục phổ thông, trong khi số cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông lần lượt là 8 (chiếm 22,3%), 3 (chiếm 8,3%) và 7 (chiếm 19,4%). Đây cũng là một trong những đặc điểm của các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài: do số lượng học sinh hạn chế, các chương trình giảng dạy có nguồn gốc khác nhau, thiếu tính tương đồng, liên thông với nhau nên các cơ sở này có xu hướng tự đảm bảo đầu vào bằng cách tiếp nhận học sinh ở các cấp thấp nhất và duy trì số học sinh này cho các cấp cao hơn tiếp theo.

Tổng vốn đầu tư vào giáo dục còn khiêm tốn

Số liệu tổng hợp quý IV năm 2012 cho thấy các dự án ĐTNN trong lĩnh vực giáo dục có tổng vốn đầu tư còn khiêm tốn, trong đó phần vốn của đối tác nước ngoài chiếm tỷ lệ không cao như các như các dự án ĐTNN trong các lĩnh vực khác.

Các dự án tại Hà Nội có tổng vốn đầu tư là 159,164 triệu USD (tăng 47,6% so với 107,81 triệu USD cuối năm 2008). Vốn đầu tư các dự án tại Tp. Hồ Chí Minh cuối năm 2008 là 94,2 triệu USD trên tổng vốn đầu tư toàn quốc là 235,72 triệu USD (chiếm xấp xỉ 40%). (Trong báo cáo mới đây của Tp. Hồ Chí Minh còn thiếu thông tin về vốn đầu tư của các dự án, do vậy không có cơ sở để so sánh.)

Ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là nơi tập trung hầu hết các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài, báo cáo của các tỉnh, thành phố cũng cho thấy tình trạng chung là các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài chỉ tập trung tại khu vực đô thị và thành phố, không có dự án đầu tư ở khu vực nông thôn.

Theo Báo giáo dục thời đại