Tuyển sinh > Tuyển sinh 2015 > Quy chế tuyển sinh năm 2015

Các chuyên gia nói gì về Kỳ thi THPT Quốc gia 2015?

Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục.

Tuyển sinh 2015: Tổng hợp các ý kiến của chuyên gia giáo dục

Ông Nguyễn Tùng Lâm - nguyên hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng:  Không nên phân biệt đối xử học sinh

Cũng liên quan đến vấn đề tổ chức cụm thi, điều khiến nhiều nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo băn khoăn là tại sao trong dự thảo lần này Bộ đã quyết định chỉ tổ chức một loại hình cụm thi cho tất cả thí sinh, song lại vẫn đặt ra vấn đề đối với những tỉnh khó khăn sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp?

Đặt giả thiết, nếu những thí sinh thi tại cụm thi tỉnh sau khi có kết quả thi lại có nguyện vọng dự tuyển vào ĐH, CĐ thì sẽ xử lý như thế nào? Nên tránh tình trạng phân biệt cụm này chỉ dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT, cụm kia dành cho thí sinh dự tuyển vào ĐH, CĐ để tạo tâm lý thoải mái cho mọi thí sinh.

PGS TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Thang điểm 20 có lợi cho thí sinh

PGS TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, thang điểm 20 sẽ chi tiết hóa đáp án, có lợi cho thí sinh hơn. Với thang điểm này, người ra đề và người làm đáp án sẽ vất vả hơn, nhưng người chấm theo barem cũng chính xác hơn. Việc mở rộng thang điểm cũng thuận lợi cho các trường khi xét tuyển sinh.  Ông Minh ví dụ, lượng thí sinh có thể đăng ký vào một ngành rất đông, như khoa Toán trường ĐH Sư phạm năm 2014 điểm chuẩn là 25. Tuy nhiên, với mức điểm này trường thiếu khoảng 20 em. Nếu trường hạ điểm chuẩn 24,5 thì có tới 100 em trúng tuyển. Vì thế, trường đành chịu thiếu chỉ tiêu chứ không dám hạ điểm chuẩn.

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông: 16 lựa chọn: nghe có vẻ dồi dào

Việc Bộ GD-ĐT “khống chế” tỉ lệ trúng tuyển theo khối thi mới chỉ tối đa 25% chỉ tiêu tuyển sinh các ngành, 75% chỉ tiêu còn lại dành cho khối thi truyền thống là một quyết định đúng đắn. Nếu không có “mức trần” này, sẽ không tránh khỏi việc rối tung với khối thi mới.

Trong dự thảo quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh có bốn giấy chứng nhận kết quả thi và các giấy này sẽ có mã vạch để nhận diện cho từng đợt xét tuyển sao cho mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được sử dụng một giấy đăng ký vào một trường. Đây được xem là biện pháp giảm ảo cho thí sinh nhưng đang lộ ra bất cập.

Thứ nhất, thông thường quy định chung của Bộ GD-ĐT là mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày, sau đó trường sẽ mất ít nhất 5 ngày để tổng hợp, thống kê thông báo trúng tuyển sau đợt xét tuyển. Như vậy, với bốn đợt xét tuyển thì thời gian xét tuyển sẽ kéo dài khoảng 100 ngày.  Trường nào buộc phải sử dụng tối đa thời gian xét tuyển này thì thí sinh trúng tuyển đợt đầu và đợt cuối sẽ nhập học cách nhau gần ba tháng, gây khó khăn cho công tác tổ chức đào tạo.

Theo tôi, nếu có bốn đợt xét tuyển thế này thì nên rút ngắn thời gian xét tuyển xuống còn 10-15 ngày so với quy định 20 ngày trước đây.  Về phía thí sinh, quy định này của Bộ GD-ĐT gây bất lợi cho các em. Trước đây, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh được cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển cùng lúc ba trường cho từng đợt xét tuyển, cơ hội lựa chọn của các em lớn hơn nhiều so với việc “đóng đinh” vào một trường trong một đợt xét tuyển.

Cho nên, nói bốn đợt xét tuyển tương đương 16 nguyện vọng nghe có vẻ dồi dào, nhưng kỳ thực các em chỉ có một lựa chọn vào một trường ở từng đợt xét tuyển (cho dù được lựa chọn bốn ngành khác nhau theo với số ưu tiên xác định trong cùng trường).  Với lý do này, tôi cho rằng chỉ nên đánh mã vạch để phân biệt giấy chứng nhận kết quả thi đăng ký xét tuyển đợt 1, ba giấy còn lại có quyền sử dụng như nhau mà không cần cầu kỳ mã vạch.

Phó viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội Trương Tiến Tùng:  Có kết quả điểm mới đăng ký vào trường rất có lợi cho thí sinh

Có kết quả điểm mới đăng ký vào trường rất có lợi cho thí sinh, vì vậy thí sinh và người nhà nên tìm hiểu ngành học, trường học tương ứng với đầu ra, tương lai nghề nghiệp... Đây cũng là bài toán hướng nghiệp của trường THPT” - Phó viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, ông Trương Tiến Tùng trong vai trò phụ huynh, Phó viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội Trương Tiến Tùng chia sẻ, việc Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi hai trong một là cần thiết. Tổ chức cụm thi sẽ giảm tải cho xã hội vấn đề giao thông, đi lại. Người nhà và thí sinh phần nào đỡ vất vả hơn khi không phải tìm nhà trọ ở thuê, ăn cơm bụi để thi cử. “Về lâu dài, cái lợi là người không theo học ở các trường THPT vẫn có quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Đạt điểm vẫn được công nhận trình độ”, ông Tùng nói.

Tin gốc: http://www.tamguong.vn/hoc/685012/cac-chuyen-gia-noi-gi-ve-ky-thi-thpt-quoc-gia-2015-tpot.html

Video được xem nhiều: Học tiếng anh Online - Chương trình tiếng anh cho người mất cơ bản: