Cả nước sẽ xét tuyển chung ?
Thí sinh chờ nhận giấy báo điểm kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Việc Bộ đề nghị cả nước dùng chung một phần mềm xét tuyển nhằm mục tiêu giúp tất cả các trường kiểm soát được tối đa tình trạng thí sinh (TS) trúng tuyển ảo. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường ĐH khá bất ngờ trước phương án này và cho rằng thời gian còn lại quá ngắn để thực hiện.

Quá muộn rồi !

Theo một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT, ý tưởng cả nước dùng chung một phần mềm xét tuyển đã được Bộ đưa ra bàn bạc với các trường ĐH từ kỳ tuyển sinh năm ngoái. Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến không ủng hộ nên Bộ phải từ bỏ ý định này. Năm nay, trong một cuộc họp bàn về tuyển sinh của Bộ với các trường ĐH phía bắc, vấn đề này lại khơi ra và tiếp tục không nhận được sự đồng thuận từ phía các trường, mặc dù bối cảnh tuyển sinh tưởng như có nhiều thuận lợi hơn. “Lúc đó anh Luận còn là bộ trưởng. Khi anh Luận hỏi đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là liệu trường này có thể đứng ra để giúp Bộ lập một nhóm chống ảo, đại diện này hỏi lại tại sao không phải là Bộ? Cả anh Luận và anh Ga đều khẳng định Bộ không thể làm được, bởi vì có nhiều ý kiến cho rằng như thế là Bộ can thiệp sâu vào việc của các trường”, cán bộ phụ trách tuyển sinh một trường ĐH ở Hà Nội cho biết.
Ông Lê Việt Thủy, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng nếu tất cả dùng chung một phần mềm xét tuyển, có nghĩa là dùng chung một cơ sở dữ liệu thông tin như của kỳ tuyển sinh năm 2015, thì việc xét tuyển sẽ thuận lợi cho các trường. Về cơ bản phần mềm đó đáp ứng hết được nhu cầu của các trường trong việc xét tuyển, đồng thời cho phép từng trường đưa thêm yếu tố phụ để xét khi có nhiều TS bằng điểm nhau.
Ông Kiểu Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cũng nhận xét: “Nếu cả nước dùng chung một phần mềm để xét tuyển thì tốt quá, bởi các trường sẽ có cơ sở tính toán để loại được phần lớn yếu tố ảo. Tuy nhiên, có thực hiện được hay không lại là một vấn đề khác. Liệu tất cả các trường có đồng ý tham gia không? Nếu vẫn có nhiều trường không tham gia thì việc này không có mấy ý nghĩa”.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nêu ý kiến: “Nếu muốn làm một nhóm lớn từ bắc vào nam cũng phải trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, nếu không sẽ trái luật. Mà sự tự nguyện cần thời gian mới huy động số trường đủ lớn. Đáng lẽ làm từ sớm, thậm chí phải làm từ sau khi công bố quy chế. Còn thời điểm này mới tính toán tới phương án cả nước dùng chung một phần mềm xét tuyển là quá muộn rồi. Các trường cần có thời gian dài để chuẩn bị. Dù Bộ có quyết tâm nhưng nhiều trường không sẵn sàng thì có thể không vào nhóm, và họ có quyền đó. Ý tưởng này tốt nhưng nên dành cho năm sau”. Theo ông Điền, nếu cả nước là một nhóm lớn thì nhóm GX do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì đương nhiên sẽ tự động giải tán.
Cùng quan điểm, đại diện một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng, nếu xét tuyển chung là Bộ đang can thiệp quá sâu vào việc xét tuyển của các trường, không đúng với chủ trương giao quyền tự chủ mà Bộ đã nói trước đó. “Chưa biết tốt hơn hay không nhưng sự thay đổi ở thời điểm này cũng khó đạt được kết quả tốt hơn do phải chuẩn bị cập rập khi mà quy chế tuyển sinh đã ban hành, các trường đã chuẩn bị sẵn các phương án xét tuyển thì sự thay đổi này rất vô lý”, vị này nhận định.

Không tránh được ảo, khổ cho các trường tốp dưới

Theo lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM, việc Bộ gom chung các trường để thực hiện xét tuyển sẽ giúp các trường biết rõ số lượng TS trúng tuyển vào trường mình và trường khác. Từ đó, các trường sẽ đưa ra được mức điểm chuẩn và gọi TS nhập học phù hợp. “Nếu từng trường xét tuyển riêng thì sau khi xác định điểm trúng tuyển sẽ không biết được có bao nhiêu TS trúng tuyển vào trường đồng thời cũng đậu vào trường khác. Nhưng với việc gom chung này, sau khi xét tuyển và xác định mức điểm trúng tuyển dự kiến, các trường sẽ gửi dữ liệu ra Bộ để xử lý. Trên số liệu tổng thể, Bộ sẽ giúp các trường biết được chính xác số TS trúng tuyển vào trường đó và trường khác. Các trường sẽ phải cân đối lại mức điểm chuẩn và số lượng TS gọi nhập học để giảm ảo ở mức tối đa”, vị lãnh đạo này phân tích.
Tuy nhiên, người này cho biết: “Dù thiện chí của Bộ khi đề xuất phương án xét tuyển này là hỗ trợ các trường giảm ảo nhưng thực tế ảo sẽ vẫn rất lớn. Vì quy chế đã cho phép mỗi TS được nộp hồ sơ vào 2 trường và kết quả cuối cùng chỉ biết được khi TS nhập học. Do vậy, việc hỗ trợ các trường ở khâu xử lý dữ liệu trúng tuyển cũng không giúp khống chế tận gốc tình trạng ảo. Chưa kể, cách làm này có khả năng dẫn đến tình trạng ảo nhiều và khổ cho các trường tốp dưới. Hơn nữa, nếu gom hết các trường trong cả nước thành một nhóm thì không còn giá trị các trường xét tuyển theo nhóm nhỏ”.
Đại diện một trường khác lo ngại: “Với các khoảng thời gian xét tuyển đã ấn định rất gấp gáp thì việc gom dữ liệu các trường để xử lý chung sẽ không đơn giản. Vì theo kế hoạch, 17 giờ ngày 12.8 các trường kết thúc nhận hồ sơ và 17 giờ ngày 15.8 các trường phải công bố kết quả trúng tuyển. Có nghĩa, các trường và Bộ chỉ có khoảng 60 giờ để xử lý dữ liệu. Đó là chưa nói nếu phần mềm không tốt sẽ dẫn đến những bất cập khác”.

Phải chuẩn bị cho 6 triệu cú nhấp chuột

Theo các trường, trở ngại lớn nhất không phải là vấn đề pháp lý mà là kỹ thuật. Phần mềm xét tuyển tốt nhưng chạy trên nền tảng nào mới là điều Bộ phải tính toán kỹ, nếu không sẽ xảy ra những sự cố còn nghiêm trọng hơn năm ngoái.
Nhưng nguy cơ lớn nhất được nhiều cán bộ tuyển sinh đề cập là việc nghẽn mạng. “Với nhóm GX do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhưng cũng chỉ chịu được khoảng 500.000 cú nhấp chuột cùng lúc. Còn nếu cả nước là một nhóm lớn thì hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin và đường truyền phải tải được cùng lúc cho 6 triệu cú nhấp chuột. Liệu có trường ĐH kỹ thuật hàng đầu nào hay doanh nghiệp công nghệ nào giúp Bộ làm được điều đó không hay lại xảy ra sự cố tê liệt hệ thống dữ liệu như năm ngoái, khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi THPT quốc gia?”, một cán bộ kỹ thuật của một trường ĐH kỹ thuật đặt vấn đề.
Ông Lê Việt Thủy dự kiến khả năng bị nghẽn mạng lúc cao điểm rất cao. Rủi ro này còn đáng ngại hơn năm ngoái. Việc nghẽn mạng năm ngoái chỉ tạo nên khủng hoảng về tâm lý chứ không đe dọa quyền lợi của TS. Còn năm nay, nếu đúng giờ hệ thống chốt lại mà TS không nộp được thì sẽ rất thiệt thòi. Phải có phương án dự phòng với những trường hợp TS do nghẽn mạng mà không đăng ký xét tuyển được vào những giờ chót”.

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/ca-nuoc-se-xet-tuyen-chung-699445.html


Xem thêm thông tin tuyển sinh 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn