Theo đó, Bộ GD-ĐT đính chính Điều 6, chương II của Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5/4/2016 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định các hành vi sinh viên không được làm.

Văn bản mới ghi rõ: "Các hành vi sinh viên không được làm thực hiện theo quy định tại Điều 88 Luật Giáo dục, Điều 61 Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan".

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký (25/4/2016) và là bộ phận không tách rời của Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5/4/2016.

Trước đó, như đã đưa tin, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư Quy chế công tác sinh viên (SV) đại học chính quy thay thế cho quy định từ năm 2007, một điều khiến dư luận bức xúc là cấm sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên internet…

Bỏ quy định cấm sinh viên bình luận, chia sẻ bài viết dung tục trên mạngẢnh minh họa/ nguồn: internet

Luật sư Nguyễn Văn Phương cho rằng, quy định này không thống nhất với các quy định của pháp luật nên việc cấm như vậy là vi phạm, không chỉ với sinh viên mà bất cứ với người dân nào khác vì không thể cấm người ta bày tỏ chính kiến. Ví dụ: Một công dân tuyên truyền không đúng sự thật, sai pháp luật, vu khống, ảnh hưởng đến uy tín danh dự của người khác thì mới cấm. Còn cấm người ta bày tỏ chính kiến về sự vật, hiện tượng với nhiều góc nhìn khác nhau, với bày tỏ quan điểm đúng thì không cấm được”.

Còn Tiến sĩ tâm lý Tùng Lâm cho hay, bộ ra quy định này với mong muốn sinh viên sống lành mạnh hơn, văn hóa hơn, trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, liệu bộ có kiểm soát được việc cấm của mình hay không? Chứ đưa ra như một thứ lệnh chỉ để thể hiện trách nhiệm của người quản lý “nói rồi không nghe”. Ví dụ như ở Hà Nội, có nhiều quy định yêu cầu học sinh phải đội mũ bảo hiểm nhưng cuối cùng không kiểm soát được, đành thả nổi.

Tiến sĩ Lâm cho rằng, bộ đưa quy định là không đúng bởi sinh viên đang trong thời gian quản lý nhà trường thì nhà trường phải có trách nhiệm quản lý các sinh viên của mình. Tuy nhiên, đưa ra quy định thì phải kiểm soát được chứ đưa ra mà không kiểm soát được thì chỉ nên kêu gọi.

Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, Điều 88 quy định "Các hành vi người học không được làm", cụ thể: "Người học không được có các hành vi sau đây:

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học khác;
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh;
3. Hút thuốc, uống rượu, bia trong giờ học; gây rối an ninh, trật tự trong cơ sở giáo dục và nơi công cộng".

Điều 61 Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 quy định:

"Các hành vi người học không được làm

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác.

2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.

3. Tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh trật tự trong cơ sở giáo dục đại học hoặc nơi công cộng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

4. Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật".


Theo Dân trí, nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-quy-dinh-cam-sinh-vien-binh-luan-chia-se-bai-viet-dung-tuc-tren-mang-20160505072859442.htm