>> Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, điểm nguyện vọng 2

Nếu chọn bỏ 1 trong 2 kỳ thi là tốt nghiệp THPT và thi đại học, tôi chọn bỏ kỳ thi đại học, cao đẳng vì hai kỳ thi quá gần nhau, gây mệt mỏi, căng thẳng cho học sinh, tốn kém tài chính cho xã hội…

Chúng ta sẽ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp để xem xét nguyện vọng của các em học sinh vào đại học. Tùy vào các trường đại học tốp đầu hay tốp thứ 2 mà lấy điểm chuẩn khác nhau - Thạc sỹ Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông) nêu quan điểm.

Nếu chúng ta bỏ kỳ thi THPT tức là chúng ta “đầu hàng” 12 năm quá trình đào tạo và học của học sinh. Chúng ta không có một cái chuẩn, cái thước đo quá trình đào tạo của học sinh khi học hết bậc học phổ thông.

Theo thầy nên tổ chức thi THPT như thế nào mới đánh giá được đúng năng lực học sinh?

Thạc sỹ Lê Xuân Trung: Theo tôi, thi tốt nghiệp chỉ còn 4 môn bắt buộc cộng với bài làm tiểu luận chung xuyên suốt quá trình học. Bốn môn thi bắt buộc là Toán học, Ngữ văn, tiếng nước ngoài và môn lịch sử. Ngoài ra, chúng ta nên có bài tiểu luận chung để làm thước đo.

Bài làm tiểu luận theo tôi bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, hiểu biết ứng xử, đạo đức… Để ra một đề bài tiểu luận không quá khó đối với các em. Bài tiểu luận nên xuyên suốt quá trình học THPT.

Như vậy, chúng ta sẽ đo được kiến thức học tại trường của học sinh, kiến thức về lối sống, về hành vi ứng xử, kiến thức kỹ năng mềm…


Quan điểm của thầy Trung nên "mở bung" đầu vào đại học, cao đẳng, tránh 2 kỳ thi liên tiếp gây áp lực cho học sinh
Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chúng ta ra nhiều đề mở, có tính chất tổng hợp, phát huy sáng tạo học sinh, không cần ghi nhớ máy móc, thậm chí cho phép mang tài liệu vào phòng thi…

Vậy các trường đại học sẽ lấy đầu vào bằng cách nào, thưa thầy?

Thạc sỹ Lê Xuân Trung: Chúng ta sẽ làm bằng cách lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xem xét nguyện vọng của các em học sinh vào đại học. Tùy vào các trường đại học tốp đầu hay tốp thứ 2 mà lấy điểm chuẩn khác nhau.

Nếu học sinh nào có nguyện vọng học đại học, cao đẳng thì tùy và kết quả thi tốt nghiệp mà đăng ký vào trường. Còn nếu học sinh nào không có nhu cầu, thì căn cứ vào kết quả kỳ thi cứ đủ điểm 5 trở lên ở từng môn chúng ta cấp giấy chứng nhận cho các em học hết phổ thông.

Để các em học sinh không có nhu cầu học cao hơn có thể học nghề, vào đời và chúng ta tránh gây áp lực cho gia đình, bản thân học sinh đó trong khi các em không có nhu cầu vào đại học.

Các trường đại học, cao đẳng dựa vào điểm thi tốt nghiệp, học bạ và nguyện vọng để lấy sinh viên của mình. Hoặc nếu cẩn thận hơn nữa và đến một tầm nào đó, các trường đại học, cao đẳng thuộc tốp đầu hoặc trường đặc biệt có thể tổ chức phỏng vấn để đánh giá khả năng giao tiếp, ứng xử, kiểm tra năng khiếu về ngôn ngữ…  để lấy sinh viên.

Cách làm như vậy ở những nước tiên tiến đã từng làm chưa, thưa thầy?

Thạc sỹ Lê Xuân Trung: Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Hàn Quốc, Singapore… họ đã bỏ kỳ thi đại học, cao đẳng từ lâu rồi. Họ không tổ chức thi kiểu “3 chung” như ở VN mà giao quyền chủ động cho các trường đại học tự tuyển chọn sinh viên theo tiêu chí, yêu cầu đặc thù ngành nghề riêng mà họ cần đào tạo.

thi đại học

Chúng ta nên đào tạo đại học theo các nước tiên tiến thì giảm được đáng kể lượng sinh viên thất nghiệp hiện nay

Việc đầu vào đại học, cao đẳng ở các nước tiên tiến rất mở, tức là các trường  “mở bung” ra, bất kể ai có nguyện vọng thì theo học đây là một lối thoát rất dễ cho xã hội, tránh được lãng phí, áp lực tinh thần, tiền của cho học sinh, xã hội.

Sau đó, các trường đại học, cao đẳng sẽ tổ chức đào tạo theo hình chóp, tức là tự đào thải dần những học sinh theo từng năm, trong quá trình học các môn, các giáo trình những em học sinh không theo học được các trình như điểm thấp, không trả nợ được môn thì tự bị đào thải...

Đào tạo đại học nước ngoài là 3 năm, nhưng có những học sinh học tới cả chục năm, thậm chí học suốt đời mà vẫn không tốt nghiệp được. Quá trình đào tạo bậc đại học ở nước tiên tiến, họ học hết trình nào thì cấp chứng chỉ trình đấy.

Xã hội nước đó, người ta chấp nhận cơ chế tuyển dụng lao động chỉ cần có một số chứng chỉ ở một số trình, lĩnh vực nào đó mà trường đại học đó cấp cho sinh viên.

Nói như vậy là các trường đại học ở các nước tiên tiến đào tạo những cái xã hội cần, và chú trọng đến hiệu quả đào tạo?

Thạc sỹ Lê Xuân Trung: Đúng vậy! Đào tạo ở trong bất kỳ một loại hình trường lớp nào của chúng ta vẫn là câu chuyện đào tạo hàn lâm. Còn đào tạo ở các nước tiên tiến là thước đo về giá trị và chất lượng sản phẩm và hiệu quả lao động thực tế cuộc sống, chứ không phải là câu chuyện ta có bằng này hay bằng kia.

Yêu cầu cuối cùng của các trường đại học các nước tiên tiến đặt ra là sản phẩm đào tạo cuối cùng của mình là cái gì? Cái gì xã hội cần thì đào tạo cái đó, vì vậy lượng sinh viên thất nghiệp sẽ giảm đáng kể. Như vậy chúng ta thấy các bạn học sinh, sinh viên ở các  nước tiên tiến cái gì cũng giỏi như giỏi chơi đàn piano, chơi bóng rổ, bóng bàn, cầu lông, nhảy… họ chú trọng đào tạo kỹ năng mềm. Không như học sinh, sinh viên ở ta nói đến các môn này thì hầu như chẳng biết gì.

Một số ý kiến cho rằng nếu giao cho các trường đại học, cao đẳng tự tuyển sinh thì xảy ra tiêu cực trong tuyển sinh, dạy và học đại học.

Thạc sỹ Lê Xuân Trung: Theo tôi, suy nghĩ đó cũng đúng, nhưng có chỗ chưa đúng là nếu kết quả thi tốt nghiệp và học bạ THPT đó của sinh viên không trung thực cung sẽ theo lên đại học. Nếu chương trình đào tạo của đại học đó mà đảm bảo được “thương hiệu” của nhà trường thì những học sinh đó sẽ tự bật ra trong từng học trình.

Nếu chúng ta “mở bung” đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng thì lượng sinh viên tốt nghiệp như ở ta hiện nay sẽ không thất nghiệp nhiều như hiện nay, đúng không thưa thầy?

Thạc sỹ Lê Xuân Trung: Đúng vậy! Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu giảm tỷ lệ sinh viên thất nghiệp khi cầm tấm bằng trên tay như ở nước ta hiện nay. Nhiều sinh viên khi học đại học bố mẹ ở quê bán cả bò, lợn, gà, cầm cố nhà cửa vay ngân hàng… để cho con học 4 năm đại học. Sau sinh viên khi cầm được tấm bằng trong tay thì không thể kiếm được việc làm.

Tôi nhớ không nhầm, ở VN hiện có trên 70% sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, vì khả năng ứng dụng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm…  của các sinh viên tốt nghiệp rất kém. Sinh viên ra trường chỉ nhận tấm bằng với một mớ kiến thức hàn lâm cũ kỹ, cho nên đại bộ phận không tìm được việc làm.

Như đã nói, nếu chúng ta “mở bung” đầu vào đại học, cao đẳng ra tạo điều kiện cho các em học sinh, gia đình có nguyện vọng vào học thì theo tôi sẽ mở ra lối thoát rất an toàn cho xã hội. Còn việc có theo học được hay không, thậm chí tốt nghiệp rồi, sản phẩm có được xã hội chấp nhận hay không là điều đáng bàn. Vì sản phẩm cuối cùng đào tại đại học là nghiệm thu hiệu quả lao động trong xã hội, chứ không thể đào tạo ồ ạt như hiện nay để  xã hội lĩnh hậu quả là hàng ngàn sinh viên thất nghiệp.

Xin cảm ơn thầy!

Theo Nguyễn Hiếu, Báo Giáo dục