>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Sáng 1/8, Bộ Giáo dục gửi công văn hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Theo đó, thí sinh tìm hiểu thông tin trên website của trường dự kiến đăng ký xét tuyển, tìm thông tin chính xác về các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành và chỉ tiêu tuyển sinh 2015 của từng ngành (thông tin này còn có trong tài liệu “Những điều cần biết về tuyển sinh cao đẳng, đại học 2015” đăng trên www.moet.gov.vn hoặc www.thi.moet.edu.vn ).

Nếu trường sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho một ngành thì phải tìm hiểu quy định của trường về độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp. Thí sinh cần tìm hiểu điều kiện bổ sung dùng để xét tuyển trong trường hợp lấy hết chỉ tiêu mà trong danh sách đăng ký xét tuyển vẫn còn nhiều thí sinh có điểm bằng điểm dự kiến trúng tuyển.

Các em cũng cần nắm được điểm trúng tuyển của các năm trước vào ngành dự kiến đăng ký xét tuyển và ghi số điện thoại tư vấn tuyển sinh của trường để liên hệ tư vấn khi có bất cứ vấn đề nào chưa rõ…

Căn cứ vào phổ điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, thí sinh có thể so sánh kết quả điểm của mình với kết quả điểm thi của những thí sinh khác trong cùng tổ hợp để lựa chọn trường phù hợp với kết quả thi của mình (trường có điểm trúng tuyển những năm trước ở mức cao, thấp hay trung bình). Nên lựa chọn nhiều hơn một trường và xếp thứ tự ưu tiên để có thể thay đổi nguyện vọng kịp thời.

Sau khi đã chọn được trường phù hợp, thí sinh nên nộp hồ sơ ngay để có thời gian theo dõi thông tin thống kê của trường, kịp thời điều chỉnh nguyện vọng, nếu cần thiết. Nếu thí sinh ở xa trường đăng ký xét tuyển thì cần chuẩn bị giấy ủy quyền rút hồ sơ cho người có thể trợ giúp việc rút hồ sơ khi cần thiết. Mẫu giấy uỷ quyền cần ghi rõ các thông tin về thí sinh ủy quyền ghi trên Phiếu đăng ký xét tuyển và họ, tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân của người được ủy quyền.

Chuẩn bị hồ sơ đăng ký xét tuyển

Hồ sơ xét tuyển bao gồm: Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ: 4 ngành của một trường đăng ký xét tuyển được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 (có thể lấy mẫu phiếu này trên website của Bộ và một số báo mạng khác); Bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi phù hợp với đợt xét tuyển (có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi) và một phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ của thí sinh.

Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được lựa chọn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện (chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên) hoặc nộp trực tiếp tại trường. Nếu gửi qua bưu điện thì ngày ghi trên dấu bưu điện nơi nhận hồ sơ phải trong thời hạn của đợt xét tuyển. Các hình thức nộp hồ sơ nêu trên đều có giá trị như nhau.

Bộ Giáo dục lưu ý thí sinh khi làm hồ sơ xét tuyển đại học

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Giang Huy.

Đợt 1 từ ngày 1 đến 20/8; xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 từ ngày 25/8 đến ngày 15/9; Bổ sung đợt 2 từ ngày 20/9 đến 05/10; Bổ sung đợt 3 từ ngày 10 đến 25/10 (kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trình độ đại học); Bổ sung đợt 4 từ ngày 31/10 đến 15/11/2015 (kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trình độ cao đẳng).

Khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể đề nghị điều chỉnh chế độ ưu tiên và nộp kèm theo hồ sơ minh chứng về chế độ ưu tiên. Nếu nộp hồ sơ và lệ phí trực tiếp tại trường thì thí sinh được trường cấp biên lai thu lệ phí xét tuyển.

Đối với đợt 1, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào một trường với tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên vào 4 ngành khác nhau. Đối với các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh có thể sử dụng đồng thời 3 Giấy chứng nhận kết quả thi để nộp vào ba trường khác nhau, mỗi giấy này cũng được đăng ký 4 nguyện vọng. Nếu không trúng tuyển thì sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp vào đợt xét tuyển tiếp theo. Thí sinh đã trúng tuyển đợt trước không được tham gia xét tuyển đợt sau.

Thí sinh cần hiểu được việc xét 4 nguyện vọng trong một trường như sau: Nếu thí sinh có điểm trúng tuyển vào nhiều ngành thì được xét vào ngành có thứ tự ưu tiên cao nhất. Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ được chuyển sang ngành nguyện vọng 2 và xét bình đẳng với các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành đó và tương tự như vậy đối với các nguyện vọng 3, 4. Trong 4 nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký đồng thời cả ngành đại học và cao đẳng (nếu trường có đào tạo cao đẳng).

Theo dõi thông tin đăng ký xét tuyển thường xuyên

Thí sinh phải thường xuyên theo dõi danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường để có thể rút hồ sơ nộp sang trường khác (nếu cần thiết) trong thời gian xét tuyển đợt 1 (Quy chế tuyển sinh quy định ít nhất 3 ngày một lần, các trường công bố trên website của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp kết quả thi từ cao đến thấp giúp thí sinh phán đoán được khả năng trúng tuyển của mình).

Trường hợp rút hồ sơ chuyển sang trường khác, thí sinh được lựa chọn đến trường rút trực tiếp hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người thân đến trường rút hồ sơ. Nếu đã thuộc danh sách trúng tuyển, thí sinh không được đăng ký xét tuyển các đợt sau và nên chuẩn bị hồ sơ nhập học theo quy định của trường.

Cục phó khảo thí bật mí chiến thuật chọn trường xét tuyển nguyện vọng 1

"Phải dựa vào ba yếu tố: điểm chuẩn năm trước của ngành, trường định xét tuyển; số điểm đạt được; vị trí của mình theo phổ điểm. Việc rút hồ sơ chỉ là cách sửa sai, không nên lạm dụng", Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh.
Từ ngày 1/8, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Chia sẻ với VnExpress, Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm nay nếu hiểu bản chất thì vô cùng dễ, nhưng cứ cuốn vào việc nộp hồ sơ vào, rồi không chắc chắn lại rút ra, thì rất rối.

Theo ông Nghĩa, việc chọn trường năm nào thí sinh cũng phải làm. Nếu như năm ngoái thí sinh xác định vu vơ thì năm nay các em có cơ sở, đó là biết điểm của mình, nằm vị trí như thế nào trong hệ thống.

"Một nguyên tắc rất cơ bản qua theo dõi tuyển sinh hàng chục năm là ít khi có biến động lớn về điểm chuẩn. Những trường, ngành có điểm chuẩn cao thì năm nay không có lý do gì để thấp. Thông tin này các trường đều công khai nên thí sinh dễ dàng tiếp cận", ông Nghĩa nói và cho hay, học sinh phải dựa vào điểm này để xác định nên nộp vào đâu. Nếu điểm gần với điểm chuẩn của các trường thì mới nên nộp hồ sơ xét tuyển. Nếu vênh quá nhiều thì không nên.

anh-Nghia-2622-1407758584-1162-2061-7807

Cục phó Khảo thí Trần Văn Nghĩa. Ảnh: H.T.

Cục phó Khảo thí phân tích, theo phổ điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp, số lượng học sinh đạt từ 24 điểm trở lên không có biến động nhiều so với năm trước. Nhưng điểm từ 19 trở xuống đến 15 vô cùng nhiều. Như vậy những trường giữa có thể lấy cao hơn ít nhất 2 điểm, vì ngưỡng đảm bảo chất lượng cũng đã tăng so với năm trước 2 điểm. "Tức là các trường năm ngoái lấy 15-16 điểm, năm nay thí sinh được 17,5-18 điểm thì có nhiều cơ hội đỗ", ông Nghĩa nói.

Về lý thuyết, những trường top trên không có thay đổi nhiều về điểm chuẩn vì số lượng thí sinh trên 24 điểm không biến động, tuy nhiên, năm ngoái thí sinh không biết điểm trước, trong khi năm nay các em đã có kết quả trong tay, vì thế số lượng lớn những em được điểm cao sẽ dồn về trường top đầu. Điều này sẽ khiến điểm chuẩn tăng nhẹ.

Nhưng những đại học như Y, ngành Bác sĩ đa khoa thì không thay đổi vì điểm chuẩn vào trường năm trước đã quá cao. Nhìn vào phổ điểm sẽ thấy chỉ có mấy trăm em được trên 28 điểm. "Như vậy, thí sinh hoàn toàn có thể tính toán được khả năng đỗ của mình dựa trên điểm chuẩn vào các trường năm trước, điểm mình đạt được và vị trí trong toàn hệ thống. Đây là cơ sở quan trọng nhất để các em xác định ngành, trường nộp hồ sơ xét tuyển", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Mọi năm thí sinh chỉ được chọn một ngành, nhưng năm nay các em được chọn bốn ngành trong một trường. Đây là giải pháp cực kỳ an toàn. Ví dụ, năm trước ngành đó lấy 24 điểm, năm nay thí sinh được 25 điểm, nghĩa là sác xuất nhỏ vẫn có thể trượt. Học sinh bên cạnh đăng ký xét tuyển ngành này, phải căn lấy một ngành khác năm trước có điểm chuẩn khoảng 22-23 điểm thì chắc chắn đỗ.

Nếu năm trước học sinh tính nhầm dẫn đến bị trượt đại học, thì năm nay Bộ cho các em một đường lui, tức là trong vòng 20 ngày của đợt xét tuyển đầu được chuyển nguyện vọng sang ngành khác của trường hoặc rút hồ sơ nộp sang trường khác. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa học sinh phải cẩn thận, phải làm đúng như hướng dẫn bên trên, chỉ khi có đột biến mới nên rút hồ sơ vì thông tin đăng ký xét tuyển biến đổi hàng giờ, trong vòng 1-2h tới không biết ai rút ra, ai nộp vào, nên đây chỉ là thông tin tham khảo.

"Ví dụ đến ngày thứ 15 chỉ tiêu chỉ lấy 400 nhưng mình ở vị trí 600 thì mới nên rút, vì như vậy là quá rõ ràng là không thể đỗ. Nhưng nếu mình ở vị trí 400 thì vẫn còn cơ hội vì có thể sẽ có người rút. Nói như vậy để thấy rằng thông tin về danh sách thí sinh xét tuyển các trường cập nhật chỉ là một kênh tham khảo, biến đổi liên tục", ông Nghĩa nói và khẳng định, việc rút ra chỉ là cách cuối cùng khi tính toán nhầm, không nên xem đó là cứu cánh.

Điều quan trọng là phải tận dụng 4 ngành trong một trường mà đợt xét tuyển 1 cho phép. Thí sinh phải chọn ngành thích học, vì đã trúng tuyển ngành này thì không được xét tuyển ngành khác.

Thời gian cho các đợt xét tuyển:
- Xét tuyển nguyện vọng 1: từ ngày 1 đến 20/8 (công bố điểm trúng tuyển chậm nhất ngày 25/8).
- Xét tuyển NV bổ sung đợt 1: từ ngày 25/8 đến hết ngày 15/9 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/9).
- Xét tuyển NV bổ sung đợt 2: từ ngày 20/9 đến hết ngày 5/10 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 10/10).
- Xét tuyển NV bổ sung đợt 3: từ ngày 10 đến hết ngày 25/10 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 31/10).
- Xét tuyển NV bổ sung đợt 4 (các trường CĐ): từ ngày 31/10 đến hết ngày 15/11 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/11).

Theo

  • VnExpress, tin gốc:http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/bo-giao-duc-luu-y-thi-sinh-khi-lam-ho-so-xet-tuyen-dai-hoc-3257308.html
  • VnExpress, tin gốc: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/cuc-pho-khao-thi-bat-mi-chien-thuat-chon-truong-xet-tuyen-nguyen-vong-1-3256976.html