Bên lề hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã tiết lộ những thông tin về hướng ra đề Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Cả giáo viên và học sinh đang rất hoang mang và quan ngại liệu Bộ có áp dụng hình thức này vào luôn năm nay.

* Phóng viên: Bộ GD-ĐT đang định hướng sẽ đổi mới cách ra đề môn Văn trong kỳ thi năm nay, cụ thể là sẽ như thế nào?

* Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đối với môn văn, lâu nay chúng ta đã nói đề văn đã hướng tới năng lực và có kết quả bước đầu, nhưng tổng quát lại đề vẫn nặng về kiểm tra học sinh học được những gì, vẫn nặng về cho điểm, học sinh vẫn có thể học bằng bài văn mẫu để tới khi kiểm tra, khi thi rồi viết ra. Trong chương trình dạy tác phẩm nào thì lúc thi cũng chỉ kiểm tra, đánh giá tác phẩm đó, như vậy là kiểm tra học vẹt nhiều hơn là kiểm tra năng lực thật.

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, môn Văn sẽ gồm hai phần: đọc hiểu và làm văn. Phần văn bản đọc hiểu không nhất thiết là phải nằm trong chương trình sách giáo khoa nhưng phải gần gũi với học sinh.

Đây là cách để chúng ta thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá với vai trò như là giải pháp đột phá đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Đối với từng môn, việc kiểm tra, đánh giá đầu tiên là phải hướng tới đánh giá năng lực người học, trong đó có năng lực chung và yêu cầu riêng cho từng lĩnh vực, từng môn học.

* Nếu với định hướng đề thi môn Văn gồm phần đọc hiểu và làm văn thì liệu đề thi năm nay có gì đột biến hay không? Bộ GD-ĐT có đưa ra cấu trúc đề thi môn Văn để định hướng các trường trong việc ôn tập?

* Đã vài năm trở lại đây Bộ GD-ĐT không đưa ra cấu trúc đề thi và năm nay cũng vậy. Hiện tại chúng tôi chỉ có khái niệm ma trận đề thi. Về đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ không có thay đổi so với mọi năm, mà Bộ quán triệt đúng hơn với mục tiêu dạy học, quán triệt sát hơn những điều mà Bộ đã hướng dẫn lâu nay. Kiểm tra đọc - hiểu là một yêu cầu bắt buộc môn Ngữ văn, việc này đã được thực hiện từ cấp tiểu học, đến trung học thì việc dạy năng lực đọc - hiểu đã chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian và kết cấu nội dung.

* Năm nay theo quy chế thì thời gian thi môn Văn sẽ giảm xuống còn 120 phút. Nhiều học sinh và giáo viên đang băn khoăn liệu rút ngắn thời gian thì đề có nhẹ nhàng theo không?

* Tôi xin nhấn mạnh, thay đổi ở đây chính là quán triệt mục tiêu dạy học. Về ma trận đề thi cũng không có gì thay đổi cơ bản. Phần đọc hiểu cũng sẽ không tăng, ma trận đề thi sẽ yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức nhiều hơn. Với việc rút ngắn thời gian làm bài thì dung lượng cũng sẽ phù hợp hơn cho học sinh làm bài, không chỉ môn văn mà đối với môn khác khi có sự thay đổi về thời gian thì phải đảm bảo yêu cầu đó.

Đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn năm 2014: Bộ giáo dục chính thức lên tiếng

Đổi mới đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn năm 2014: Bộ giáo dục chính thức lên tiếng

Với đề thi môn văn ở các khối xã hội trong kỳ tuyển sinh ĐHCĐ năm 2014 cũng sẽ được thay đổi theo hướng này. Những tác phẩm được ra đề có thể nằm ngoài sách giáo khoa, nhưng không được vượt quá yêu cầu năng lực muốn đạt tới. Chương trình yêu cầu học sinh đạt được năng lực, kỹ năng như thế nào không có nghĩa là học tác phẩm nào thi tác phẩm đó. Mà điều này có nghĩa là qua tác phẩm đó năng lực đọc hiểu đạt được đến đâu, cảm thụ đến đâu. Sẽ phải thi và kiểm tra điều này chứ không phải kiểm tra độ nhớ tác phẩm.

Đề xuất một dạng đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH- CĐ môn Văn năm 2014

Chuyên gia Phạm Thị Thu Hiền, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) đã đưa ra ví dụ về đề thi văn năm 2014 (có tham khảo cách làm của PISA và đề thi tốt nghiệp tại bang California - Hoa Kỳ). Theo đó, trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, cần đổi mới cách ra đề theo hướng đánh giá năng lực ngữ văn của người học và yêu cầu cao dần qua các năm. Đề thi gồm 2 phần: Phần 1 (5 điểm): Kiểm tra đánh giá (KTĐG) kĩ năng đọc của học sinh (theo hình thức của PISA); Phần 2 (5 điểm): KTĐG kĩ năng viết (làm văn) của học sinh (theo hướng mở, tích hợp).

Ví dụ: ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT (Thời gian làm bài: 120 phút)

Phần I – Đọc hiểu (5 điểm) Đọc bài thơ sau:

Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm


Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

(Trích từ Mẹ của nhà thơ, NXB Phụ nữ, 2008)

Câu 2: Nêu chủ đề của bài thơ?

Câu 3: Trong nhan đề và bài thơ, chữ “quả” xuất hiện nhiều lần. Chữ “quả” ở dòng nào mang ý nghĩa tả thực? Chữ “quả” ở dòng nào mang ý nghĩa biểu tượng?

Câu 4: Nghĩa của “trông” ở dòng thơ Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng là gì?

Câu 5: Trong hai dòng thơ Những mùa quả lặn rồi lại mọc - Như mặt trời, khi như mặt trăng, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Hãy nêu tác dụng của biện pháp so sánh đó.

Câu 6: Ở khổ thơ thứ nhất, hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào? Cảm xúc của nhà thơ dành cho mẹ là gì?

Câu 7: Đặc sắc nghệ thuật của hai dòng thơ: Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên - Còn những bí và bầu thì lớn xuống là gì? A. Sử dụng từ trái nghĩa. B. Sử dụng hình ảnh nhân hóa. C. Sử dụng thủ pháp miêu tả. D. Sử dụng phép tương phản, đối lập.

Câu 8: Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng trong hai dòng thơ ? Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn - Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi?Ghi lại cảm xúc của em khi đọc hai dòng thơ này.

Câu 9: Ở khổ thơ thứ hai, hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào? Hãy ghi lại cảm xúc của nhà thơ mà em cảm nhận được?

Câu 10: Phần in đậm trong dòng thơ: Và chúng tôi, một thứ quả trên đời được gọi là: A. Phụ chú. B. Khởi ngữ. C. Tình thái. D. Gọi đáp.

Câu 11: Chữ “hái” trong dòng thơ Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được háicó nghĩa là gì?

Câu 12: Chữ “mỏi” trong dòng thơ Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏicó nghĩa là gì?

Câu 13: Những biện pháp tu từ nào được sử dụng trong hai dòng thơ cuối bài? Tác dụng của những biện pháp đó là gì?

Câu 14: Ở khổ thơ thứ ba, hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào? Hình dung và ghi lại tâm trạng của nhà thơ trong hai dòng thơ cuối bài.

Câu 15: Suy nghĩ, cảm xúc nào của nhà thơ để lại ấn tượng sâu đậm nhất với em?

Câu 16: Đọc xong bài thơ, em nghĩ đến câu tục ngữ hay ca dao nào? Hãy ghi lại câu tục ngữ hay ca dao đó.

Câu 17: Trong văn học có nhiều tác phẩm viết về tình mẫu tử. Hãy kể tên một số tác phẩm viết về đề tài này mà em đã học hoặc đã đọc. Từ đó, chỉ ra sự khác biệt lớn nhất về mặt nghệ thuật và nội dung của bài thơ Mẹ và quả (Nguyễn Khoa Điềm) với những tác phẩm ấy.

Câu 18: Đọc xong bài thơ, em có suy nghĩ gì về cách ứng xử với cha mẹ của một số người qua những mẩu tin sau?

Phần II – Viết (5 điểm): HS chọn 1 trong 2 câu sau để làm bài:

Câu 1: Các cơ quan quản lí du lịch ở nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hàng năm đều dành rất nhiều tiền để ủng hộ, đầu tư cho những địa danh nổi tiếng của đất nước. Bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông như áp phích, tạp chí quảng cáo, truyền hình, đài phát thanh, các cơ quan này có thể gửi thông điệp về những cảnh đẹp, và hy vọng sẽ đón được nhiều khách du lịch tới đó. Giả sử bạn được thuê bởi một cơ quan quản lí du lịch, hãy viết một bài văn, trong đó chỉ ra một nơi trên đất nước ta mà khách du lịch có thể tìm thấy nhiều điều thú vị khi đến đó.

Câu 2: Mục đích của Nguyễn Minh Châu khi xây dựng nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa?

Theo báo SGGP