Siết chặt "đầu ra"

“Tôi nghiêng về việc đó là kỳ thi kết thúc bậc học phổ thông. Theo quan điểm đổi mới giáo dục, quản lý chặt đầu ra quan trọng hơn là “siết” đầu vào” - ông Vũ Ngọc Hoàng nêu quan điểm.

Bộ GD&ĐT đã xử lý tốt mục tiêu "2 trong 1"

Ảnh minh họa

Chủ trương của Bộ GD&ĐT là từ năm 2015 sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia, gọi là kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời, còn có yêu cầu thứ hai là làm căn cứ sơ tuyển đại học, cao đẳng. Cách làm này rõ ràng hiệu quả hơn, đó là việc đáng ủng hộ.
Để có thể xử lý tốt mục tiêu “hai trong một” không khó, có thể bằng cách cho khung điểm rộng ra, để “phân hóa” rõ hơn, thay vì trước đây sử dụng khung điểm 10, nay có thể nới thành khung điểm 20 như dự kiến của Bộ GD&ĐT, thậm chí có thể nới khung rộng hơn nữa.

Bộ GD&ĐT cũng đã đi theo hướng này, thể hiện trong quy định tại dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia: “Điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 20”.

Thi để kiểm tra năng lực

Ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng: Thi là để kiểm tra năng lực, không kiểm tra trí nhớ. Điều này cũng đã được Bộ GD&ĐT lưu ý.

Ngay từ các kỳ thi năm 2014, đề thi đã có bước chuyển theo hướng đánh giá năng lực học sinh và năm 2015 sẽ tiếp tục phát huy điều này.

Cũng bởi thi là để kiểm tra năng lực, để học sinh thử sức mình, tự kiểm tra lại khả năng giải quyết vấn đề của mình, do đó, thi cử nên nhẹ nhàng đi. Sau này nên tiến đến mỗi năm có thể thi vài ba lần, lần này chưa đạt, học sinh có thể học tiếp thi lại, không phải một lần thi mà quyết định số phận cho cả đời.

Riêng với kỳ thi THPT quốc gia, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Cần lưu ý, mục đích chính của kỳ thi THPT quốc gia là kết thúc bậc học phổ thông, không hoàn toàn thay thế cho việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Về cách thức tổ chức thi, có một cách để kỳ thi này nhẹ nhàng hơn, đó là học sinh học ở đâu, thi ở đó, chỉ giáo viên coi thi là đảo từ nơi khác về.

“So với việc di chuyển khoảng 1 triệu học sinh thì chúng ta di chuyển các thầy cô sẽ ít hơn, đỡ tốn kém hơn nhiều” - ông Vũ Ngọc Hoàng nêu ý kiến.

Liên hệ đến tuyển sinh ĐH, CĐ, ông Vũ Ngọc Hoàng nêu quan điểm: Theo tôi, không có điểm sàn chung cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ, bởi mỗi trường có một yêu cầu khác nhau, tùy vào sứ mệnh của mình.

Trên thế giới, nhiều trường ĐH không cần thi mà chỉ qua xét hồ sơ và phỏng vấn. Ngay cả trường ĐH Havard cũng chủ yếu đọc hồ sơ phổ thông của học sinh và phỏng vấn để xét tuyển đầu vào.

Theo Giáo dục Thời đại, tin gốc: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-gddt-da-xu-ly-tot-muc-tieu-2-trong-1-607582-v.html

Tuyển sinh 2015, tuyển sinh ĐH, CĐ, kỳ thi THPT quốc gia