Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, trường quốc tế, cao đẳng quốc tế

Trước khi công bố chính thức đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015, Bộ GD-ĐT đã gửi dự thảo đề án cho các sở GD-ĐT, các chuyên gia giáo dục trên cả nước để đóng góp ý kiến cho dự thảo này.

Biên soạn SGK chuẩn bị đổi mới giáo dục sau năm 2015

Theo lộ trình được đặt ra trong dự thảo, năm 2014-2015, ngoài việc xây dựng các cơ sở pháp lý cần thiết cho việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông, Bộ GD-ĐT dự kiến hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học để đưa vào thử nghiệm. Cùng với đó, sẽ hoàn thành việc biên soạn SGK của các môn học lớp 1, lớp 6, lớp 10 và danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đi kèm. Trong hai năm này, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về việc dạy học thử nghiệm chương trình - SGK lớp 1, lớp 6, lớp 10.

lộ trình biên soạn sách giáo khoa sau 2015

Biên soạn sách giáo khoa theo kiểu cuốn chiếu

Sau năm 2015, lần lượt theo hình thức cuốn chiếu, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo việc biên soạn SGK của các lớp tiếp theo, tiến hành đồng thời ở cả ba cấp tiểu học, THCS và THPT, ban hành danh mục thiết bị dạy học đi kèm và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Với cách làm cuốn chiếu, dự kiến năm 2019-2020, việc biên soạn chương trình - SGK phổ thông từ lớp 1-12 sẽ hoàn thành. Cùng với việc này, Bộ GD-ĐT dự kiến từng bước triển khai chương trình - SGK mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng nhà trường.

>> Chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015

Chương trình - SGK phổ thông sau năm 2015 sẽ được chia theo hai giai đoạn, chương trình cấp tiểu học, THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản; chương trình THPT là giai đoạn sau giáo dục cơ bản. Chương trình sẽ thiết kế theo hướng tăng cường tích hợp ở cấp tiểu học và THCS, phân hóa rõ dần từ cấp tiểu học đến THCS và phân hóa sâu hơn ở THPT; giảm số lượng môn học bắt buộc ở mỗi cấp học, lớp học, tăng các môn học, chuyên đề tự chọn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, kỹ năng, năng khiếu, tiếp cận nghề nghiệp tương lai cho học sinh.

Chương trình - SGK mới sẽ khắc phục những nhược điểm của cách làm cũ. Cụ thể như sẽ có tổng chủ biên xuyên suốt chương trình từ lớp 1-12 để đảm bảo tính liên thông, tiếp nối giữa các lớp, cấp học, tránh việc dạy thừa, trùng lặp kiến thức. Những kiến thức hàn lâm sẽ được lược bỏ, sẽ giảm liều lượng cung cấp kiến thức, chú trọng phương pháp, cách thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá để phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Như vậy, tuy có nhiều đổi mới quan trọng, khắc phục những bất cập cũ, nhưng dự kiến việc biên soạn SGK vẫn được làm theo hình thức cuốn chiếu từ khâu biên soạn tới thử nghiệm và thực hiện đại trà. Việc thực hiện một chương trình - nhiều bộ SGK chưa được đặt ra ở dự thảo đề án này.

Theo Vĩnh Hà, TTO