Trả lời thắc mắc này, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, nếu thí sinh đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp THPT và có 1 môn thi (ví dụ Sinh học) có kết quả dưới 1 điểm, em vẫn có thể dùng kết quả của tổ hợp môn Khối A (Toán, Vật lý, Hóa học) để xét tuyển.

Thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển trên cơ sở lựa chọn những môn có kết quả thi tốt nhất, phù hợp tổ hợp môn mà trường đại học đó dùng để xét tuyển. Thí sinh bị điểm liệt vẫn có thể đăng ký xét tuyển đại học.

Với những thí sinh thấy kết quả thi không phù hợp quá trình làm bài của mình, Cục Khảo thí khuyên nên nộp đơn phúc khảo tại các địa điểm do Sở GD&ĐT quy định trong vòng 10 ngày kể từ khi công bố kết quả thi.

Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn, thí sinh sẽ nhận được kết quả phúc khảo.

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung có được chọn nhiều ngành không?

Băn khoăn về khả năng trượt trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều thí sinh thắc mắc liệu các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung 2, 3, 4 có được xét tuyển nhiều khối, ngành như nguyện vọng 1 hay không?

Về vấn đề này, Cục Khảo thí lưu ý, khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh vẫn được quyền đăng ký xét tuyển tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) trong một trường. Tuy nhiên, khác với xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh được phép sử dụng đồng thời cả 3 Giấy chứng nhận kết quả để đăng ký xét tuyển vào tối đa 3 trường khác nhau.

Khác so với cách xét tuyển nguyện vọng 1, trong thời gian đăng ký của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh chỉ được rút hồ sơ cuối mỗi đợt xét tuyển khi không trúng tuyển.

Nên chọn nhiều ngành trong một trường

Năm nay, vấn đề quan trọng nhất mà thí sinh cần phải cân nhắc khi đăng ký xét tuyển để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất đã được Cục Khảo thí chỉ rõ. Theo đó, đầu tiên, thí sinh cần lựa chọn ngành, trường phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất. Căn cứ vào kết quả thi của mình, thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường từ những năm trước để quyết định.

Hiện nay, hơn 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước, một ngành chuyên môn có thể đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất khác nhau nên thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành yêu thích của mình. Điểm thứ hai phải lưu ý là khi đưa ra quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường khác hay quyết tâm “bám trụ”, nhất là khi điểm thi của mình không thực sự vượt trội. Nếu thí sinh có thể chọn được nhiều ngành phù hợp với nguyện vọng của mình trong một trường thì sẽ dễ dàng hơn trong quyết định rút hồ sơ hay “bám trụ”.

Về câu hỏi việc rút hồ sơ phải được tiến hành như thế nào, Cục Khảo thí trả lời, quy định về cách thức rút hồ sơ để nộp sang trường khác sẽ tùy thuộc vào từng trường. Đa số các trường sẽ yêu cầu thí sinh đến trường để rút hồ sơ.

Sau khi rút hồ sơ, thí sinh điền lại nguyện vọng ở giấy đăng ký xét tuyển và sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi đã rút ra để nộp sang trường khác. Khi đó, hồ sơ của thí sinh ở trường mới vẫn được coi là hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 như những hồ sơ đã nộp trước đó.