Hôm nay 12/8, ngày cuối cùng các trường đại học trên cả nước tổ chức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2016. Số lượng thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp ngày cuối cùng không nhiều, ít nhất trong 12 ngày.

Nhiều thí sinh đến nộp hồ sơ trong ngày cuối cùng đợt đăng ký xét tuyển vì sai sót trong hồ sơ gửi qua đường bưu điện.

Nguyễn Văn Hải (Nghệ An) cho biết: “Em gửi hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ĐH Bách Khoa Hà Nội qua đường bưu điện nhưng bị sai đến 2 lần. Hôm qua, nhà trường gọi điện thoại thông báo hồ sơ sai mã ngành, em phải bắt xe từ Nghệ An ra Hà Nội trong đêm để sáng nay kịp làm lại hồ sơ”.

Cùng gặp phải hoàn cảnh như Hải, Nguyễn Thị Huyền (Nghệ An) chia sẻ, trên xe khách một mình ra Hà Nội đêm qua, nữ sinh rất lo lắng, sợ không kịp nộp hồ sơ vào ĐH Bách khoa Hà Nội. "Đến nộp trực tiếp tại trường mà em vẫn chưa hết run”, Huyền nói.

Thí sinh Vũ Tươi là một trong số những trường hợp gặp sai sót, phải sửa hồ sơ trong ngày cuối tại ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nữ sinh đăng ký vào ngành Giáo dục Tiểu học theo tổ hợp Toán - Văn - Địa. Tuy nhiên, năm nay ngành không tuyển theo khối này, Tươi đến xin rút hồ sơ. Sau khi trao đổi, phòng tuyển sinh cho phép em chuyển sang ngành khác của trường.

Rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển

Sáng nay, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, chỉ có hơn 40 hồ sơ nộp trực tiếp vào trường. Tính đến ngày xét tuyển cuối cùng của đợt một, trường nhận được hơn 4.500 hồ sơ nộp trực tiếp (chưa cập nhật số hồ sơ trực tuyến và qua đường bưu điện).

ĐH Bách Khoa Hà Nội thu hơn 20 hồ sơ đăng ký xét tuyển, ít hơn rất nhiều so với buổi sáng đăng ký xét tuyển đầu tiên (1.000 hồ sơ). Khoảng vài trăm hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Chiều nay, nhóm GX sẽ tập hợp hồ sơ trực tuyến từ Bộ GD&ĐT, sau đó tiến hành lọc các hồ sơ trùng lặp. Dự kiến chiều tối mai, trường sẽ có điểm chuẩn.

Bắt xe đêm ra Hà Nội sửa gấp hồ sơ ngày xét tuyển cuối cùng

ĐH Bách Khoa Hà Nội vắng thí sinh đến nộp hồ sơ ngày cuối. Ảnh: Hoàng Như.

Tại ĐH Xây dựng Hà Nội, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ rất thưa thớt. PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết, chỉ có 10 thí sinh đến trường đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, ngày đầu tiên (1/8), trường nhận được 300 hồ sơ.

Số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ trong ngày cuối cùng tại Học viện Chính sách và Phát triển cũng không đông. Tính đến 9h, khoảng 5 thí sinh nộp hồ sơ. Nhiều em đến trường để được tư vấn nhưng chưa quyết định dù các em còn chưa đến một ngày để đăng ký xét tuyển 2016.

Số thí sinh đến đăng ký tại ĐH Thương mại đông hơn một số trường khác, khoảng 60 em. Trong khi đó, số lượng thí sinh đăng ký tại ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ khoảng 10 người.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết, tính đến chiều qua, trường nhận hơn 4.200 hồ sơ. Phần lớn thí sinh không gặp sự cố vì đã được hướng dẫn cụ thể.

ĐH Ngoại thương cũng có chung tình hình khi số lượng thí sinh đến đăng ký rất ít. Việt Hoa, sinh viên tình nguyện trường Ngoại Thương thông tin, lượng thí sinh 2 ngày gần đây giảm nhiều so với những ngày đầu.

ĐH Ngoại Giao trong buổi sáng chỉ thu được 2, 3 hồ sơ. Số lượng thí sinh đến ĐH Luật sáng nay chưa tới 20 em. ĐH Lao Động xã hội cũng rất vắng trong ngày cuối.

Các trường lo thí sinh "ảo"

Theo PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường chưa thể đưa ra điểm chuẩn 2016 dự kiến bởi vì số lượng hồ sơ ảo rất nhiều và khó đoán, phổ điểm càng thấp thì càng "ảo".

Năm nay, một sinh viên có quyền lựa chọn hai chuyên ngành vào một trường và tối đa hai trường. Vì vậy, các em thường có xu hướng chọn một ngành yêu thích có điểm trúng tuyển cao và một ngành điểm thấp.

“Điều này khiến trường không thể dự đoán số thí sinh nhập học nên không dễ đưa ra điểm chuẩn dự kiến", ông An nêu quan điểm.

“Con tôi thi được 24 điểm. Mấy ngày qua chỉ ở nhà nghe ngóng, chưa dám nộp hồ sơ cho cháu vào ĐH Ngoại thương vì sợ rủi ro. Hôm nay là buổi đăng ký cuối cùng nên tôi đến trường từ sáng sớm, đứng ngồi không yên, vừa cho cháu đăng ký, vừa dò hỏi xem sao”, phụ huynh tên Phương nói.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Bùi Đức Triệu nói, trường chưa thể đưa ra mức điểm trúng tuyển dự kiến vì dữ liệu chưa đầy đủ và thí sinh năm nay có nhiều lựa chọn.

“Tuy nhiên, theo phán đoán của tôi, điểm trúng tuyển các ngành tốp trên có thể giảm không đáng kể, trong khi ngành tốp dưới dự kiến giảm từ 0,5 đến 1 điểm. Đêm nay, trường sẽ cập nhật dữ liệu hồ sơ đăng ký trực tuyến từ Bộ GD&ĐT để phân tích và thống kê dữ liệu trùng lặp với các trường nhóm GX tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Dự kiến chiều tối mai, trường sẽ có điểm chuẩn”, ông Triệu nói.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết: “ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận được gần 12.000 hồ sơ trên tổng số 6.000 chỉ tiêu. Tuy số lượng hồ sơ nộp vào cao gấp đôi chỉ tiêu nhưng chưa chắc có thể lấy đủ chỉ tiêu từng ngành”.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Xây dựng Hà Nội, rất khó để đưa điểm chuẩn dự kiến bởi năm nay không có bất kỳ cơ sở nào để thống kê và dự đoán.

Tại Học viện Tài chính, TS Nguyễn Đào Tùng – Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết, hơn 4.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển nộp vào trường. Dự kiến một số ngành tốp trên của trường sẽ có điểm trúng tuyển cao hơn năm 2015.

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, thí sinh trên điểm sàn đã nộp hồ sơ gần hết. Đến cuối giờ chiều 11/8, 390.000 người đăng ký xét tuyển trong tổng số 404.000 em đạt trên điểm sàn.

Hôm nay (12/8) là ngày cuối cùng của đợt đăng ký xét tuyển đợt 1 vào cao đẳng, đại học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ ngày mai (13/8), các trường có thể công bố điểm trúng tuyển.


Theo Zing