Bật mí chiến lược "chọn trường chắc đỗ"

Thay đổi lớn trong tư duy thí sinh

Tại buổi tư vấn tuyển sinh do Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức vừa qua, TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng những năm trước đây, việc chọn ngành nghề, đặc biệt chọn trường của thí sinh trước hết là để được đi học, không phải chịu cảnh trượt 1 năm trong khi bạn bè đỗ ĐH, CĐ hết. Thứ hai, nhiều em thi vào trường nào, ngành nào chỉ theo định hướng của cha mẹ hoặc có ý kiến của bạn bè, hoặc theo truyền thống gia đình.

Ở mùa tuyển sinh năm 2016, TS Điền nhận thấy các em đã nghĩ đến việc học một ngành nào đó thì phát triển sự nghiệp như thế nào, sau này ra trường thị trường có đón nhận các em hay không, hay khả năng xin việc của em thế nào. Đây thực sự là một sự thay đổi rất tích cực. Qua các cuộc tuyển sinh, những ngành như khoa học, kỹ thuật, công nghệ, ngành y… được các em quan tâm và đặt câu hỏi rất nhiều.

“Đối với ĐH Bách Khoa, các em vẫn quan tâm nhiều đến những ngành “hot” như Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông… Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu tích cực là các em quan tâm đến những ngành, trường mà thị trường lao động hiện nay đang cần như ngành kỹ thuật vật liệu. Đây là ngành cũng rất cần thiết nhưng trước nay ít nhận được sự quan tâm của thí sinh. Có thể thấy, sự chọn ngành học của thí sinh đã có bước chuyển biến và gần hơn với nhu cầu của thị trường lao động hơn là việc chọn theo cảm tính và lý thuyết”.

Chọn trường theo phương án an toàn?

Theo quy định, Bộ GD-ĐT chỉ quy định về số lượng trường, số ngành trong một trường thí sinh được nộp hồ sơ.  Thí sinh có thể đăng ký vào các ngành khác nhau ở 2 trường. Tương tự, ở các đợt tiếp theo, thí sinh được đăng ký xét tuyển cùng lúc vào tối đa 3 trường khác nhau, mỗi trường tối đa 2 ngành và cũng không bắt buộc đăng ký ngành giống nhau.

Tuy nhiên, với những thí sinh đã xác định được đam mê của mình thì một băn khoăn phổ biến với cùng một ngành học, các em nên chọn trường ở top điểm cao hay trường có điểm chuẩn thấp hơn để nắm chắc cơ hội đỗ. TS Lê Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho rằng trong quá trình làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng, cần cân nhắc kỹ nguyện vọng 1. Mặc dù có nguyện vọng 2 và 3 nhưng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng những nguyện vọng sau vì càng nguyện vọng sau, cơ hội đỗ càng khó.

Hiện nay, thông tin tuyển sinh về các trường và điểm chuẩn vào trường các năm rất dễ dàng tra cứu. Căn cứ vào đó và thế mạnh của bản thân để quyết định chọn trường, chọn ngành học nào. Bởi ngay trong cùng một trường, điểm chuẩn giữa các ngành cũng có sự chênh lệch khá lớn giữa ngành “hot” hay không và giữa các khối thi. Ví dụ, năm 2015, ngành thấp nhất của ĐH Ngoại thương là Luật có điểm chuẩn là 24,5 điểm khối A1 và D trong khi khối A là 26 điểm. Cao nhất là ngành kinh tế với mức 25,75 điểm khối A1 và D và 27,25 điểm khối A.

Đừng chọn trường vì… yêu

“Có em học sinh đặt câu hỏi là bạn trai em muốn hai bạn thi cùng một ĐH, tôi cho rằng nếu mà chọn trường A. chỉ vì bạn trai học trường A. thì đấy là liên quan đến tâm sinh lý rồi. Chọn như vậy sẽ chỉ tự làm khổ bản thân. Trừ trường hợp trường bạn trai học cũng là ý muốn của mình thì vào học chung cũng là lựa chọn tốt. Tuy nhiên chúng ta phải lường trước khó khăn, nhỡ trong quá trình học mà không gắn bó với nhau nữa thì sao? Sẽ rất khó để đối mặt lúc đó. Chuyển trường, chuyển ngành thì gần như là lối thoát tiêu cực. Vì vậy, cần tôn trọng lựa chọn của chính mình và của bạn mình. Nên bỏ qua những sở thích liên quan đến tâm sinh lý, giải trí… khi chọn trường” - Chuyên gia tư vấn, TS Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Ths Ngô Xuân Hiếu, Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Hà Nội cũng gỡ rối cho các bạn trẻ nếu gặp tình huống đó nên khéo léo thuyết phục, trấn an người bạn của mình rằng việc trường mình và trường bạn cách nhau vài cây số cũng khiến chúng ta quý hơn qua những cơ hội thỉnh thoảng gặp nhau. Điều này cũng tạo cơ hội để chúng ta có những chuyến đi chơi từ trường này sang trường kia và quan trọng là có thể giúp hai bạn thể hiện tình cảm, thấu hiểu nhau hơn.

Thí sinh “vận động” phụ huynh

Trước nay, chuyện phụ huynh làm công tác tư tưởng cho học sinh trước kỳ thi là chuyện bình thường. Nhưng nếu ý kiến của cha mẹ và con cái không giống nhau, theo chuyên gia tư vấn, TS Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, học sinh có thể tư vấn lại với bố mẹ về mong muốn của mình.

 

Theo Tinnhanh, nguồn: http://vntinnhanh.vn/tin-24h/bat-mi-chien-luoc-chon-truong-chac-do-93777


Xem thêm các thông tin tuyển sinh, tra cứu điểm thi tốt nghiệp tại kenhtuyensinh.vn