Bất cập thể thao học đường


Ở ĐH, tình hình vẫn không được cải thiện. Thậm chí nhiều trường còn thiếu cơ sở vật chất, phải thuê trung tâm thể thao để sinh viên học giáo dục thể chất.

Ông Chung Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu, cho rằng quyết định đề nghị VĐV học bổ túc văn hóa cũng xuất phát từ việc hệ thống giáo dục VN chưa đáp ứng được tập luyện thể thao đỉnh cao, thiếu vắng hệ thống CLB thể thao trường học. Ở các nước phát triển, giáo viên dạy thể dục chính là huấn luyện viên đúng nghĩa. Họ sẽ phát hiện ra những học sinh, sinh viên tiềm năng để tìm cách đào tạo chuyên nghiệp. Trong điều kiện hiện nay của VN, muốn theo thể thao chuyên nghiệp thì rất khó để có thể học văn hóa theo hệ chính quy.

Ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, cho biết mỗi năm đều cùng với Sở GD-ĐT họp liên tịch để phát triển thể thao học đường. Hai sở thống nhất tạo điều kiện để mỗi học sinh đều chơi một môn thể thao. Nhưng điều kiện cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực… rất khó để thực hiện.

Bất cập thể thao học đườngKhu tập luyện tại Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu. ẢNH: ĐĂNG NGUYÊN

Trong khi đó Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN (VPF) có cách tiếp cận riêng. Nơi này tuyển sinh tài năng 10 tuổi trở lên nhưng đặt chuyện học văn hóa lên hàng đầu. Thậm chí, học viên được giảm tập luyện lúc cao điểm thi cử. Tất cả học viên đều học buổi sáng ở các trường phổ thông hệ chính quy. Còn tại Học viện HAGL - Arsenal JMG, một trong những tiêu chí để tốt nghiệp khóa đào tạo của học viện là phải tốt nghiệp THPT. Hằng ngày, vào buổi sáng, học viên đến trường để học văn hóa. Học viện ký hợp đồng với giáo viên giỏi để giúp học viên tiếp thu kiến thức tốt nhất. Các buổi tối (trừ chủ nhật), học viên sẽ học ngoại ngữ.

Chỉ cho đến tháng 9.2016, trong Hướng dẫn thực hiện công tác học sinh, sinh viên, giáo dục thể chất và y tế học đường năm 2016, Bộ GD-ĐT mới yêu cầu tập trung triển khai Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đề án này cũng mới được ban hành ngày 17.6.2016 và có nêu lên mục tiêu trong giai đoạn sắp tới: “Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH có CLB các môn thể thao dành cho học sinh, sinh viên và được duy trì hoạt động thường xuyên”.

Trên thế giới, Mỹ là một trong những nước thể thao học đường phát triển mạnh và đây là nhân tố tích cực cho thể thao đỉnh cao. Tại Olympic Rio 2016 (Brazil), đoàn thể thao Mỹ có 555 VĐV thì 436 người đã và đang thi đấu ở các giải thể thao thuộc khối ĐH hoặc chuẩn bị nhập trường. ĐH Stanford là trường góp nhiều VĐV nhất cho đoàn Mỹ năm nay với 29 người. Bóng rổ, nhảy cầu, đấu kiếm, khúc côn cầu trên cỏ, bóng chuyền trong nhà, rowing và 3 môn phối hợp là các môn tại Olympic 2016 mà 100% VĐV Mỹ tham dự đều đã và đang là sinh viên. Môn bóng đá, bơi lội, bóng nước và các môn chạy thuộc điền kinh thì có đến 90% VĐV từng là sinh viên.


Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/bat-cap-the-thao-hoc-duong-759474.html