Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Các cơ sở mầm non tư thục hiện đang mọc lên “như nấm sau mưa”. Trong đó, nhiều trường không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, đầu tư chưa tương xứng với quảng cáo nhưng thu học phí cao… Việc quản lý nhóm, lớp này cũng còn nhiều bất cập.

Trường nhiều, chất lượng thấp

Chị Tú Lan (trú tại Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) có con lên 2 tuổi, nhưng neo người nên chị tính sẽ gửi con đi lớp. Do trường mầm non công lập trên địa bàn chỉ nhận trẻ 3 tuổi trở lên, nên chị phải gửi con vào trường mầm non tư thục. “Trường mầm non tư thục không có sân chơi ngoài trời, học phí lại cao, nhưng mình chẳng còn lựa chọn nào khác”, chị Lan than thở. Còn anh Ngọc Tú (ở phố Nguyễn Thái Học) sau khi gửi con vào lớp mầm non tư thục trên đường Trần Xuân Soạn băn khoăn: “Thực đơn ghi rõ trẻ được ăn 5 bữa/ngày, nhưng cô vẫn khéo léo đề nghị bố mẹ nên gửi thêm 2 bữa sữa nữa “để cháu khỏi nhớ sữa”, rồi thấy tình trạng lớp đổi cô giáo liên tục, cháu vừa quen cô này thì đã thấy thay cô khác rồi”.

trường mầm non tư thục

Trường mầm non tư thục kém chất lượng tràn lan

Trước nhu cầu của xã hội, cùng điều kiện thành lập rất thoáng nên các nhóm, lớp mầm non tư thục đua nhau “mọc” lên. Theo bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Hiện thành phố có tới 207 trường, nhóm, lớp mầm non tư thục. Số trẻ mầm non tư thục khoảng trên 70.000 trẻ (chiếm trên 15% trong tổng số trẻ mầm non trên địa bàn Hà Nội). Do đó, việc quản lý các trường mầm non tư thục như thế nào để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, bảo đảm tốt nhất cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của các trường là không dễ.

**Khó quản lý các trường mầm non tư thục

Bà Nguyễn Thị Minh Xuyến - Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn quận có 40 trường mầm non thì có tới 26 trường tư thục, chiếm tỷ lệ 65%. Tuy nhiên, công tác quản lý hiện gặp vô vàn khó khăn bởi số trường tăng nhanh mà cán bộ lại mỏng. Trên thực tế, có những nhóm, lớp chưa xin phép đã hoạt động, lại có một số nhóm được cấp phép xong không thu hút được học sinh, tự đóng cửa mà không thông báo.

Bà Nguyễn Thúy Thuận - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Hòa cho biết: Trên địa bàn phường Trung Hòa có 27 nhóm, lớp mầm non tư thục. Trường được phường giao quản lý 13/27 nhóm, lớp này. Qua kiểm tra, hầu hết các nhóm, lớp đều đi thuê phòng học trong nhà dân, không có sân vườn, nhà vệ sinh thiết kế không phù hợp với trẻ mầm non, cầu thang dốc, lan can thưa, khu vực bếp ăn đặt ở vị trí phòng trên cùng, nguy cơ mất an toàn rất cao đối với trẻ mầm non. Bên cạnh đó, khá nhiều chủ các lớp mầm non tư thục chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, còn hạn chế trong việc quản lý, điều hành công tác giáo dục trẻ cũng như là quản lý về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất.

Sẽ quản chặt?

Bà Phạm Thị Hồng Nga cho biết, trước thực trạng thiếu trường mầm mon công lập, trường công lập chỉ nhận trẻ 3 tuổi trở lên, việc phát triển hệ thống mầm non tư thục là cần thiết bởi mục tiêu của ngành Giáo dục Hà Nội là tỷ lệ 80% trẻ học trong trường công lập và 20% học tư thục. Tuy nhiên, để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhóm, lớp mầm non tư thục trên địa bàn cần sự chung tay phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của nhiều lực lượng với “nhạc trưởng” là UBND cấp xã/phường/thị trấn (đối với việc quản lý nhóm, lớp) và cấp quận/huyện (với việc quản lý trường).

***Thả nổi tiếng anh mầm non

Cũng theo bà Nga, sắp tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho chủ các trường mầm non tư thục, yêu cầu giáo viên mầm non tư thục tham gia các lớp bồi dưỡng miễn phí về nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Đồng thời, Ban chỉ đạo kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra 100% trường, nhóm lớp trên địa bàn, đặc biệt kiểm tra chặt chẽ các trường ngoài công lập. Khi kiểm tra, sẽ tập trung vào các nội dung: Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; Điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; Công khai về thu chi tài chính; Thực hiện đúng quy hoạch mạng lưới trường, lớp...

Theo bà Lý Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT): Điều lệ trường mầm non ra đời khi hệ thống trường tư thục chưa phát triển và điều kiện thực tế lúc đó đang cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ rà soát lại văn bản và xem xét, nghiên cứu đề xuất sửa đổi bất cập về yêu cầu trình độ của chủ nhóm, lớp mầm non.

Các giáo viên trường mầm non tư thục đa phần là người tỉnh ngoài, phải thuê nhà, đời sống gặp nhiều khó khăn, trình độ đào tạo hầu hết là qua các lớp liên kết. Nhiều giáo viên còn không muốn đóng bảo hiểm xã hội và không muốn gắn bó với cơ sở. Giáo viên không toàn tâm, toàn ý với nghề thì đây là điều đáng lo ngại đối với chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ”.

Bà Nguyễn Thúy Thuận - Hiệu trưởng Trường mầm non Trung Hòa, Hà Nội.

Theo tác giả Giang Kiều, Vũ Anh - Giao thông vận tải