Sự kiện: Tuyển sinh 2011, đại học, cao đẳng

Huy vừa nhận giấy báo trúng tuyển của ĐH Cảnh sát Nhân dân TP HCM (khối A) 21 điểm; ĐH Y - Dược Huế (khối B) 23,5 điểm và ĐH FPT Đà Nẵng 80/100 điểm. Bạn bè gặp Huy tại một quán cà phê cóc trên vỉa hè thành phố Huế với chồng báo trên tay, Huy cười bảo phải tranh thủ bán để dành dụm tiền đi học.

 


Hằng ngày, cứ vào 5h sáng, Huy dậy cùng mẹ sắp xếp báo, chuẩn bị đem bán. Đến 6h30 là em nghỉ tay, chuẩn bị lên lớp học còn mẹ đạp xe đi bán báo dọc các tuyến phố, phục vụ cho khách ngồi quán cà phê. Những ngày chủ nhật hoặc được nghỉ học sáng, 2 mẹ con lại đi bán từ sáng cho tới trưa.

 

 


Bán báo đậu 3 trường đại học - Ảnh 1
Bán báo dạo trên chiếc xe đạp cũ là công việc mỗi buổi sáng của Nguyễn Quốc Huy. Ảnh: Văn Nguyễn.

 

 

 

Sau mỗi buổi học trên lớp, Huy cùng cha là ông Nguyễn Thức Tùng sửa xe máy, xe đạp cho khách qua đường. Về nhà, cậu lại tranh thủ lo nấu cơm, kèm cặp đứa em học lớp 4. Căn nhà trọ của gia đình Huy trên đường Nguyễn Lộ Trạch (thành phố Huế) tuy thiếu thốn đủ thứ nhưng bao giờ cũng đầy ắp tiếng cười.

 


Bà Nguyễn Thị Hương, mẹ Huy, làm nghề bán báo dạo hơn 10 năm nay không cầm được nước mắt khi kể về gia cảnh. Vợ chồng bà quê gốc Nghệ An, cách đây hơn 10 năm, hai người mang con vào Huế lập nghiệp, mong có được bữa cơm no đủ, con cái học hành tử tế. Ai ngờ kiếp nghèo cứ bám riết, làm ngần ấy năm mà vẫn phải ở trọ, chạy ăn từng bữa. Bà làm nghề bán báo dạo còn chồng làm nghề sửa xe đạp ở vỉa hè.

 


“Ngày mới vào Huế, thằng Huy còn nhỏ xíu. Mỗi lần đi bán báo tui cõng nó theo. Có lẽ nhờ đó mà lớn lên là thằng Huy theo tôi đi bán báo dạo. Chắc con nó cũng ngại nhưng vì thương cha mẹ nên vẫn làm cho đến giờ”, bà Hương nói.

 


Công việc bán báo cũng không phải đơn giản. Có nhiều lần Huy vào các quán cà phê, quán nhậu… gặp những vị khách khó tính xua đuổi, thậm chí dùng lời lẽ xúc phạm nhưng em đều cố gắng chịu đựng. Bởi em nghĩ, mục đích lớn là giúp cha mẹ bán báo kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cũng chính từ những lần ấy mà Huy hiểu được khó khăn trong công việc của mẹ và thương mẹ nhiều hơn.

 


Tài sản có giá nhất của gia đình là chiếc xe đạp mà nhờ một lần phụ bếp ông Tùng xin được. Trên chiếc xe ấy, ngày ngày Huy đi học, bà Hương đi bán báo dạo, ông Tùng chở đồ nghề ra góc đường Bến Nghé.

 

 


Bán báo đậu 3 trường đại học - Ảnh 2
Phụ mẹ xếp báo trước quầy hàng sửa xe đạp của cha. Ảnh: Văn Nguyễn.

 

 

 

Bà Hương bảo hôm nghe tin Huy đậu đại học, cả nhà ai cũng vui. Bà luống cuống chạy hết các quán cà phê để bán hết báo rồi ùa ra chợ mua con cá to về làm cơm ăn mừng. Còn ông Tùng cả buổi sáng chả thèm vá săm xe nữa, gặp ai quen cũng bắt chuyện rồi khoe thằng con trai của ông đậu đại học, mà đậu một lúc đến 3 trường.

 


Người vui nhất là Huy. “Em thích học ĐH Y - Dược Huế hoặc ĐH FPT Đà Nẵng hơn. Nhưng vì không có tiền nên cha mẹ khuyên em nên chọn học ĐH Cảnh sát Nhân dân TP HCM vì được miễn giảm học phí”, Huy chia sẻ.

 


Ngồi nhẩm tính mỗi tháng hết 700.000 đồng thuê trọ, hơn một triệu đồng tiền ăn, các chi phí khác… để con trai theo học đại học, ông Tùng thở dài: “Thực tình vợ chồng tôi cũng muốn lo cho con học ở Huế hoặc Đà Nẵng vừa gần nhà, vừa là ngành học con thích. Nhưng tại cái số nghèo, tiền nhập học trước mắt vẫn chưa biết xoay đâu ra”.

 


Dù khó khăn, nhưng chàng trai với khuôn mặt sáng vẫn đầy quyết tâm: “Bất cứ học ở trường nào em cũng cố gắng học tập và rèn luyện làm người tốt, có ích cho xã hội. Em biết cuộc sống của em là niềm an ủi lớn lao cho cha mẹ sau mỗi ngày làm lụng cực nhọc”.

 

 

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh nguyện vọng 2, điểm chuẩn NV2

Đăng ký nhận điểm chuẩn nguyện vọng 2 qua email tại ô bên dưới

Kênh Tuyển Sinh ( Nguồn Lao Động )