Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014

Đó là khẳng định của PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội, tại buổi giao lưu trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 4 - 12.

Nút bấm “thi cử”

Giải thích về việc coi đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá học sinh là khâu đột phá trong đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng “với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, cần phải lựa chọn một nút bấm để khi ấn nút, nó làm rúng động toàn hệ thống GD-ĐT”.

Theo ông Hiển, đổi mới nội dung, cách thức thi cử, kiểm tra đánh giá sẽ có tác động ngược trở lại chất lượng dạy học, cách tổ chức dạy học, tác động tới các chính sách GD-ĐT, tác động tới quan niệm nhận thức của xã hội, của phụ huynh, tác động tới động cơ học tập của học sinh.


Phản biện lại quan điểm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, PGS Văn Như Cương cho rằng ngành GD-ĐT đặt ra nhiều “đột phá” quá, ví như đột phá trong đổi mới quản lý giáo dục, đột phá trong đổi mới đào tạo giáo viên, rồi giờ lại tới đột phá thi cử... Điều này khiến nhiều người băn khoăn.

Nếu coi vấn đề đột phá là nút bấm có thể làm rúng động cả hệ thống GD-ĐT thì tôi không cho rằng nút bấm đó là “thi cử”, là “kiểm tra, đánh giá”, dù đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá là việc quan trọng. Bởi với một kỳ thi, một kết quả đánh giá, cứ cho học sinh của ta có 70% thỏa mãn yêu cầu nhưng nội dung thi cử, chương trình học toàn thứ vô bổ, cái ta được vẫn không là gì, thì vẫn là thất bại. Bởi thế, với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng khâu đột phá ở đây phải là việc dạy cho học sinh cái gì, học như thế nào, áp dụng cái đó ra sao?” - PGS Cương nói.

Tuyển sinh 2014: Thay đổi trong tuyên sinh đại học

Tuyển sinh 2014: Nhanh chóng bỏ kì thi đại hoc 3 chung

Thứ trưởng Hiển lý giải thêm sau ý kiến của PGS Cương: “Quan điểm về “đột phá” của mỗi người mỗi khác. Theo tôi, khâu được chọn đột phá là khâu có thể làm trước, song song với việc thực hiện những giải pháp lâu dài, bền vững. Cụ thể là bên cạnh đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá phải làm trước, có những giải pháp căn cơ khác như đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đổi mới đào tạo, sử dụng giáo viên...”.

Về việc này, PGS Đinh Xuân Khoa cũng có quan điểm chung với lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Ông cho rằng việc thi cử, kiểm tra đánh giá hiện nay đang có những bất cập mà việc đổi mới, điều chỉnh nó có thể giúp tác động ngay trở lại chất lượng giáo dục. Hơn nữa đây là việc có thể triển khai ngay lập tức và việc đổi mới thi cử, đánh giá thật sự có những tác động trực tiếp tới nhiều khâu của nền GD-ĐT. Còn việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa là công việc thận trọng, lâu dài. Nếu cần một nút bấm, ông Khoa cũng cho rằng nên nhằm vào thi cử.

Khuyến khích tuyển sinh riêng

Trao đổi sâu hơn về định hướng đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, ông Hiển cho biết: “Ở bậc phổ thông không dồn vào một kỳ thi cuối cấp như hiện nay mà kiểm tra, đánh giá ngay trong quá trình dạy học, sau khi kết thúc các môn học. Việc này giảm áp lực cho học sinh, tránh những tiêu cực như đã xảy ra”.

Với góc nhìn của lãnh đạo Bộ GD-ĐT theo sát giáo dục phổ thông và việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, ông Hiển cho biết “không chỉ đổi mới hình thức thi cử, đánh giá với những kênh khác nhau, nội dung thi, kiểm tra cũng sẽ thay đổi dần để phù hợp với việc chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực”.

Về kỳ thi tuyển sinh đại học, Thứ trưởng Hiển cho hay trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT khuyến khích những cơ sở giáo dục đủ điều kiện chủ động phương án tuyển sinh theo cách thức phù hợp với mục tiêu, đặc thù của mỗi trường. Trả lời câu hỏi về việc liệu có xảy ra tiêu cực không khi giao kỳ thi tuyển sinh cho các trường trong bối cảnh hiện nay vẫn còn nhiều trường ĐH mới và ĐH ngoài công lập bất chấp chất lượng để thu hút người học, Thứ trưởng Hiển khẳng định: “Việc giao chủ động không làm giảm mà tăng trách nhiệm của các trường về chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, các trường vẫn phải chịu sự giám sát của nhiều kênh, trong đó có giám sát của xã hội, của người học”.

Giảm tải, giảm tiêu cực

Nhận định tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng ông Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng “giảm tải nội dung, chương trình sẽ có tác động tích cực tới việc giảm dạy thêm, học thêm”. Theo ông Hiển, với sự thiết kế lại chương trình giáo dục phổ thông và đổi mới thi cử, việc dạy thêm, học thêm sẽ chỉ còn tồn tại khi có nhu cầu thật sự và chính đáng của người học.

PGS Đinh Xuân Khoa và PGS Văn Như Cương đều cho rằng tăng giờ học chính khóa trong nhà trường, trong đó có việc tăng số trường, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày tại trường, kiểm soát tốt hoạt động chuyên môn của thầy cô giáo, tăng lương cho giáo viên... là những việc cần thiết góp phần thiết thực giảm dạy thêm, học thêm tiêu cực.

Các vị khách mời của cuộc tọa đàm cũng nhấn mạnh rằng không phải cứ dạy thêm, học thêm đều là tiêu cực. Cái tiêu cực cần phải khắc phục, xóa bỏ, nhưng cái không phải tiêu cực thì phải nhìn nhận khác. “Có những kiểu dạy thêm, học thêm trong sáng, như việc bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo thêm cho học sinh kém. Chúng ta không nên vì những tiêu cực mà phủ nhận thành quả của “dạy thêm trong sáng” này” - PGS Cương bày tỏ.

Chia sẻ về vấn nạn “dạy thêm, học thêm” mang màu sắc tiêu cực, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận đây là một “gánh nặng” của ngành GD-ĐT mà xã hội đòi hỏi phải giải quyết dứt điểm. Nhưng ngoài trách nhiệm của ngành GD-ĐT còn là trách nhiệm của từng nhà trường, thầy cô giáo và của phụ huynh.

Bất hợp lý “ba chung”

Khác với quan điểm của PGS Đinh Xuân Khoa cho rằng “nên duy trì kỳ thi “ba chung” trong việc tuyển sinh đầu vào cho các trường ĐH - CĐ”, PGS Văn Như Cương phân tích: “Thí sinh thi khối A, môn toán, vào trường đại học sư phạm để học toán làm thầy dạy toán; thi vào đại học bách khoa để học toán ra và làm công tác kỹ sư của mình, đó là toán phục vụ; thi vào kinh tế để ứng dụng kiến thức toán vào lĩnh vực kinh tế...

Vậy thì xét ở khía cạnh khoa học, sẽ rất bất hợp lý khi tất cả thí sinh đều thi chung một đề giống nhau. Cách tổ chức thi bất hợp lý dẫn tới việc học sinh phải cố học những thứ không cần cho nghề nghiệp trong tương lai của mình. Các trường ĐH - CĐ nên tự chủ phương án tuyển sinh để phù hợp với mục tiêu đào tạo, yêu cầu về chuẩn đầu ra của mình”

Theo Vĩnh Hà, TTO