Tin liên quan:

>> Đáp án đề thi đại học

>> Lịch thi Đại học Cao Đẳng

>> Đã có đáp án chính thức đề thi đại học

 

Lúc thí sinh, phụ huynh về các điểm dự thi tuyển sinh ĐH đợt 2 cũng là thời điểm để các dịch vụ ăn theo đua nhau nảy sinh.

 

Những mánh khóe chèn ép mùa thi, Lưu ý thí sinh thi ĐH tại thành phố lớn, Ăn theo mùa thi, tuoi tre, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh

Nhiều tài xế xe ôm ở Huế bất chấp luật lệ, chở ba với giá cao gấp 2-3 lần so với bình thường - Ảnh: TIẾN LONG

 

“Lắm lúc bị các chú xe thồ nạt nộ, thậm chí đe dọa vì phá giá của họ nhưng đổi lại các thí sinh và phụ huynh lại tiết kiệm được một khoản tiền. Bấy nhiêu đó cũng đủ là động lực để các tình nguyện viên làm việc hết sức mình” - một bạn tình nguyện viên tại khu vực bến xe Đà Nẵng chia sẻ. Nguyên nhân do vào mùa thi cũng là mùa làm ăn của những người chạy xe thồ, nhưng do mức giá của tình nguyện viên đưa ra quá bèo nên chuyện bị hoạnh họe, đe dọa cũng thường xảy ra.

Tăng từ giá giữ xe

Kỳ thi ĐH đợt 1 vừa qua, nhiều phụ huynh gửi xe ở khu vực gần Trường ĐH Bách khoa than vãn bởi giá giữ xe bình thường chỉ 2.000 đồng nhưng giờ đã vọt lên 5.000 đồng. Cùng với đó là sau mỗi buổi thi thường xuất hiện nhiều người đi rao bán bài giải với giá 7.000 đồng/bản, trong khi những năm trước giá chỉ 2.000-3.000 đồng. Có nhiều người còn photo đáp án từ các trang báo mạng để in ra và mang đi bán cho thí sinh.

Không chỉ vậy, giá đồ ăn, thức uống của một số quán xá gần trường cũng tăng theo mùa thi. Ông Nguyễn Hữu Hưng (Quảng Trị) có con đi thi ở Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Trong lúc chờ con thi, ông Hưng vào quán cà phê ven đường gọi chai nước ngọt nhưng bị chủ quán tính 20.000 đồng. “Bình thường uống chai nước chỉ 10.000-12.000 đồng mà giờ họ tính mắc quá trời” - ông Hưng cho hay. Ngay như việc cho thuê ghế trong đợt thi khối V môn vẽ cũng bị hét giá 20.000-30.000 đồng/ghế. Tại Trường ĐH Kinh tế, một số sinh viên còn tổ chức bán “bóng bay ước nguyện” với giá 10.000 đồng cho thí sinh. Thí sinh mua bóng bay viết ước mơ của mình vào đó và thả lên trời!

Nhiều nhà trọ giá rẻ

Tuy nhiên, không phải ai cũng ham lợi như vậy. Tại điểm tiếp sức mùa thi ở Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, bên cạnh bàn hướng dẫn của các tình nguyện viên còn có sự xuất hiện của gần chục chủ nhà trọ giá rẻ. Chủ nhà trọ Nguyễn Thị Thuận (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết hiện nhà cô còn dư tám phòng trọ với sức chứa 20-30 người, số phòng trọ này đã được các tình nguyện viên khảo sát, đề xuất giá rẻ để hỗ trợ thí sinh và người nhà đi thi. Sau khi được các tình nguyện viên hướng dẫn, cung cấp những thông tin thiết yếu, các thí sinh sẽ được giới thiệu về ở tại những nhà trọ được niêm yết giá rẻ. “Ngoài 800 chỗ trọ giá rẻ trong ký túc xá của trường, bọn mình còn huy động được hàng trăm chỗ trọ ở gần khu vực thi. Sau khi ổn định chỗ ở, các thí sinh cũng được giới thiệu một số điểm ăn uống bình dân” - Nguyễn Viết Hải Hiệp, tiếp sức tại Trường ĐH Sư phạm, cho biết. Hiện giá phòng trọ khu vực xung quanh điểm thi này chỉ dao động 15.000-25.000 đồng/người/ngày đêm, mỗi suất cơm giá 10.000-15.000 đồng...

Nhằm hạn chế tình trạng nâng giá xe thồ, tại các điểm tiếp sức đều tư vấn khá kỹ lộ trình và giá cả đi lại cho các thí sinh. Ngoài bảng niêm yết giá xe thồ tới các điểm thi tại khu vực bến xe Đà Nẵng, tình nguyện viên cũng linh động quy chuẩn giá cả đi lại để giúp đỡ thí sinh.

“Các thí sinh nên mạnh dạn tìm đến các điểm tiếp sức để được tình nguyện viên tư vấn, giúp đỡ, vừa tiết kiệm tiền bạc lại tránh được những hình thức lừa đảo, lợi dụng ăn theo mùa thi” - tình nguyện viên Lê Hữu Bằng tại điểm tiếp sức Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết.

Trong kỳ thi ĐH đợt 1 vừa qua, nhiều kẻ gian đã trà trộn, giả danh sinh viên tình nguyện để lừa đảo thí sinh, phụ huynh dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ngày làm thủ tục dự thi đợt 1, bàn trực tiếp sức mùa thi của sinh viên tình nguyện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (Q.Thủ Đức) tiếp một phụ huynh đến than phiền giá nhà trọ quá đắt. Phụ huynh này kể khi vừa xuống xe tại ngã tư Thủ Đức, một người mặc áo xanh xưng sinh viên tình nguyện đưa về phòng trọ giá rẻ. Khi phụ huynh đưa con đến ở thì chủ nhà thu... 200.000 đồng/người/ngày.

Lưu ý những tình nguyện viên giả mạo

Ngay lập tức, bạn Nguyễn Chí Tâm - cụm trưởng tiếp sức mùa thi khu vực Thủ Đức - xác minh lại ngày giờ, địa điểm phụ huynh được “sinh viên” đón thì không có ai trong đội làm việc này. “Đây là những “cò” nhà trọ giả danh sinh viên để lừa đảo - Tâm khẳng định - Nhà trọ do sinh viên giới thiệu sẽ có từ miễn phí đến giá 50.000 đồng/người/ngày”. Theo Tâm, không chỉ lừa đảo về nhà trọ, năm nào trong những ngày thi cũng xuất hiện những người mặc áo xanh, xưng là sinh viên tình nguyện đi bán tăm tre, bông ngoáy tai “gây quỹ” cho đội với giá 10.000 đồng/bịch. “Nhiều phụ huynh tưởng thật không những mua tăm mà còn ủng hộ thêm tiền. Tiếp sức mùa thi không có hoạt động nào như thế” - Chí Tâm lưu ý.

Trong khi đó, tại một số hội đồng thi khác như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, làng ĐH Thủ Đức..., nhiều đối tượng đã vào tận hội đồng thi để dụ dỗ, lôi kéo phụ huynh, thí sinh tham gia bán hàng đa cấp. Bạn Huỳnh Thanh Tùng - đội trưởng tiếp sức mùa thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết: “Trong kỳ thi ĐH đợt 1 đã ngăn chặn được một số đối tượng ăn mặc lịch sự, bảnh bao, nói chuyện với giọng điệu lôi kéo thí sinh, phụ huynh làm việc lương hàng trăm triệu đồng/tháng mà không cần phải học đại học. Đây thực chất là lừa đảo để bán hàng đa cấp. Những người này thường dùng chiêu thức bắt chuyện, mời đi uống nước rồi dụ dỗ chở về công ty để mua hàng và tham gia mạng lưới này. Phụ huynh, thí sinh cần tránh tiếp xúc với những đối tượng hoặc báo ngay cho sinh viên tình nguyện để tránh những sự cố đáng tiếc”.

Để tránh bị “tình nguyện giả” lừa đảo, anh Lê Xuân Dũng - trưởng phòng tổ chức hành chính, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM - lưu ý là tất cả sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi đều mặc áo xanh có chữ “Tiếp sức mùa thi năm 2012”, đeo bảng tên và hoạt động tại những địa điểm cố định. “Phụ huynh, thí sinh thấy biểu hiện nghi ngờ cần hỏi xem bảng tên của sinh viên, nếu không có bảng tên thì đó là giả danh sinh viên tình nguyện. Thí sinh, phụ huynh cần liên lạc trực tiếp với các bàn trực ở các bến xe, nhà ga, bàn trực trước các hội đồng thi... để tránh gặp đối tượng giả danh sinh viên lừa đảo” - anh Dũng nói.

Bán đáp án giả

Cũng tại kỳ thi ĐH đợt 1, nhiều phụ huynh đợi con trước cổng trường đã “bé cái nhầm” khi mua phải “đáp án” bài thi từ những người bán dạo. Những “đáp án” này được những người bán dạo công khai tại nhiều địa điểm thi ở Cần Thơ, Bình Định, Hà Nội... ngay trong thời gian thi. Quá nóng lòng, nhiều phụ huynh đã mua “đáp án” được in trên tờ giấy A4 với giá 3.000-5.000 đồng/bản. Thế nhưng sau khi con thi ra, nhiều phụ huynh đã bật ngửa khi “đáp án” không giống với câu hỏi trong đề thi. Ngay sau đó, lực lượng công an đã bắt được một người bán “đáp án” dạo ở Cần Thơ. Người này khai nhận đã lấy đáp án thi ĐH của năm trước trên mạng Internet, sửa năm thi và đem bán cho phụ huynh kiếm tiền.

Bạn Trần Thị Như Liên, đội trưởng tiếp sức mùa thi tại hội đồng thi Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết ở đợt thi môn toán sáng 4-7 vừa kết thúc thời gian làm bài đã có người đi bán đáp án đề toán với giá 10.000 đồng/bộ. Nhiều phụ huynh và thí sinh vì lo lắng nên mua để dò. Liên cho biết hôm sau phụ huynh phản ảnh dò “đáp án” này thấy sai rất nhiều câu so với đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT công bố.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia - khẳng định khi đang thi mà có người rao bán đáp án thì chắc chắn đáp án đó là giả. TS Nghĩa phân tích: “Ngay sau khi kết thúc mỗi đợt thi, Bộ

GD-ĐT sẽ công bố đáp án các môn thi cùng thang điểm cụ thể. Với quy trình làm đề như hiện nay sẽ không có chuyện lộ đề, có đáp án sớm được”. Ngoài ra, TS Nghĩa cũng lưu ý thêm: “Với những “gợi ý bài giải” được bán nhiều trước cổng trường thi, phụ huynh không nên nóng lòng mua vội vì chất lượng những bài giải đó chưa biết thế nào. Thí sinh xem xong gợi ý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý những môn thi sau”.

 

Những mánh khóe chèn ép mùa thi, Lưu ý thí sinh thi ĐH tại thành phố lớn, Ăn theo mùa thi, tuoi tre, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh

Một thanh niên bán gợi ý bài giải cho phụ huynh trước hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong kỳ thi ĐH đợt 1. Nhiều chuyên gia cho rằng phụ huynh không nên nóng lòng mua những gợi ý này vì chất lượng không biết thế nào - Ảnh: DUY TRÂN

Tráo balô của thí sinh

Đội tiếp sức mùa thi Trường ĐH Sài Gòn (Q.5, TP.HCM) cũng cảnh báo thêm hiện tượng tráo balô của thí sinh. “Thường thì những kẻ lừa đảo sẽ đến tiếp cận thí sinh đi thi, sau đó đặt balô của chúng ngay bên cạnh balô của thí sinh rồi “cầm nhầm” balô của thí sinh đi mất. Hiện tượng này đã xuất hiện trong những ngày thi ĐH đợt 1 và được ngăn chặn kịp thời, nhưng có nguy cơ tiếp diễn trong đợt 2” - bạn Trần Nguyễn Cẩm Thương, đội trưởng đội tiếp sức mùa thi Trường ĐH Sài Gòn, lưu ý.

Xe ôm, phòng trọ ép thí sinh

Đợt thi thứ hai là đợt thi mà ĐH Huế có nhiều thí sinh dự thi nhất. Trong những ngày trước ngày thi, có mặt tại ba điểm nóng là bến xe phía nam, phía bắc và ga Huế, chúng tôi nhận thấy xe chở thí sinh từ các tỉnh thành liên tục cập bến. Nhà xe tranh thủ nhồi nhét khách, thí sinh và người nhà phải ngồi ngay trên sàn xe. Các điểm tiếp sức mùa thi tại hai bến xe phía bắc và nam Huế phải làm việc liên tục vẫn không kham nổi. Thay vì hướng dẫn cụ thể giá xe ôm, phòng trọ như đợt thi đầu, lần này các tình nguyện viên chỉ giới thiệu nhanh một vài địa chỉ nhà trọ gần điểm thi, thí sinh tự lo liệu việc đi lại và tìm kiếm. Nguyễn Thị Giang, sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế, tình nguyện viên tiếp sức tại điểm bến xe phía nam Huế, cho biết thí sinh đợt hai đổ về Huế quá đông, không đủ người để phục vụ.

Lực lượng xe ôm lợi dụng tình hình đó để tranh giành thí sinh và tăng giá gấp hai, ba lần so với ngày thường. Xe ôm còn liên kết với nhiều nhà trọ để làm cò mồi. Thí sinh lên xe là họ chở thẳng đến phòng trọ để lấy tiền hoa hồng. Một số “cò” phòng trọ còn đến tận các điểm tiếp sức lấy danh sách phòng trọ, sau đó đưa thí sinh đến và đòi tiền hoa hồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số tuyến đường gần điểm thi như Phùng Hưng, Nhật Lê, Nguyễn Huệ, Bà Triệu... nhiều nhà dân đã tận dụng nhà của mình để “đón” thí sinh vào ở với giá khá cao. Thí sinh Hà Văn Tuấn, đến từ huyện Như Xuân (Thanh Hóa), cho biết phòng trọ thuê tại đường Nhật Lệ rộng chưa đầy 15m2 mà nhét đến tám người, giá mỗi người 300.000 đồng.

Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: Tuoitre)