Ám ảnh trường chuẩn quốc giaẢnh minh họa (nguồn: internet)

Ám ảnh trường "chuẩn quốc gia"

Bởi lẽ quyền lợi của thầy cô giáo không tăng nhưng áp lực của công việc lại như gánh nặng ngàn cân đè chặt.

Khi trường học nào đó được khoác trên mình danh hiệu “trường chuẩn quốc gia mức độ 1, 2 hoặc 3” như một điều hiển nhiên phải nổi trội hơn các trường khác dù thực chất không có được điều đó.

Thế là mọi hoạt động ở trường phải chạy đua, phải gồng mình lên để theo kịp những cái danh vừa đạt được. Cứ như việc trường lên hạng, mọi thứ bỗng chốc buộc phải lên hạng theo. Như tỉ lệ học sinh khá, giỏi phải luôn đạt mức cao, thấp nhất cũng từ 75% trở lên; học sinh lên lớp thẳng khoảng 99%...

Chẳng thế mà có trường mới chỉ năm ngoái thôi khi chưa được công nhận là “trường chuẩn quốc gia” thì học sinh yếu còn được phép lưu ban để học lại cho chắc. Nhưng năm nay các em không được phép ở lại dù học sinh ấy có học yếu cỡ nào.

Trong các cuộc họp hội đồng, vị hiệu trưởng luôn lấy câu nói của vị cán bộ phòng: “Trường chuẩn quốc gia sao lại có học sinh lưu ban?” để nhắc nhở giáo viên nỗ lực giảng dạy. Trường càng lên chuẩn quốc gia mức độ cao, thầy cô giáo càng áp lực nhiều.

Dù cố gắng giảng dạy hết mức nhưng hàng ngàn học sinh sao không thể có vài chục em học yếu, tiếp thu chậm? Ngoài việc từng thầy cô phải ráng sức dạy, ráng sức kèm cặp vào cả thời gian nghỉ của mình (dạy từ thiện) để các em có thể theo kịp chương trình. Nhưng dù cố gắng đôi khi cũng không toại nguyện, khi một số em vẫn tiến bộ không nhiều.

Quy định khống chế tỉ lệ lưu ban, nhà trường và giáo viên buộc phải “thiên biến vạn hóa” bằng nhiều cách để cố giữ “chuẩn”. Thế mới có tình trạng một số trường học ở nhiều nơi học sinh đang bình thường bỗng trở thành khuyết tật, hay tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp một cách tràn lan...

Chưa hết, ngoài hoạt động giáo dục, các trường chuẩn quốc gia buộc phải tham gia đầy đủ các phong trào cấp trên tổ chức, đặc biệt là các phong trào mũi nhọn như thi toán, tiếng Anh trên mạng, thi vở sạch chữ đẹp các cấp, thi sáng tạo trẻ...

Cũng vì sức ép thành tích, sức ép của cái mác trường chuẩn quốc gia, không ít giáo viên phải gồng mình hậu thuẫn, thi hộ các em ở vòng trường để đạt chỉ tiêu về số lượng.

Nếu so năng suất lao động của một giáo viên trường chuẩn với giáo viên một trường học bình thường thì khác xa một trời một vực. Thầy cô trường chuẩn phải đi sớm về khuya, nỗ lực giảng dạy, mệt nhoài với hàng chục phong trào nhưng thu nhập hằng tháng lại chẳng được hơn giáo viên các trường khác đồng nào.

Chưa nói vì hoạt động nhiều nên tiền thưởng tết tháng 13 cũng ít hơn các trường bình thường khác. Đây chính là điều vô lý vẫn đang tồn tại trong ngành giáo dục. Cấp trên thì cứ luôn miệng: “Giáo viên trường chuẩn quốc gia phải thế này, thế nọ...” nhưng sự ưu đãi cho họ lại chẳng có gì.

Chịu áp lực nhiều nên không ít thầy cô chia sẻ: “Không bao giờ muốn giảng dạy ở những trường đạt chuẩn quốc gia”.

Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160329/am-anh-truong-chuan-quoc-gia/1075393.html