Mấy băn khoăn về quy chế thi THPT

Quy chế thi THPT năm 2015 thu hút sự quan tâm của học sinh. Trong ảnh: học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Q.Tân Bình, TP.HCM) xem thông tin công bố quy chế thi tối 26-2 - Ảnh: Như Hùng

Với quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vừa công bố, hi vọng kỳ thi THPT quốc gia sắp đến sẽ là một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng, góp phần tạo đột phá trong dạy học, kiểm tra đánh giá ở nhà trường phổ thông.

1. Về hình thức đề thi. Yêu cầu đặt ra trong quy chế vừa ban hành cơ bản giống như năm trước. Điểm khác của năm nay là đề thi vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ).

Vì chỉ có một đề thi nên với thí sinh chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì làm sao? Ra sớm cũng không được vì tránh lộ đề mà ngồi lại để chờ cho hết giờ cũng không cần thiết đối với các em.

Hơn nữa với các môn tự luận có thể ra theo mức độ từ dễ đến khó nhằm đáp ứng cả hai yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia nhưng với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (lý, hóa, sinh, tiếng Anh) do phải xáo câu để có các mã đề khác nhau nên sẽ gây khó khăn cho học sinh, cụ thể:

Câu 1 của mã đề thi môn này có thể là câu nhận biết phù hợp với yêu cầu cơ bản, nhưng câu 1 cũng môn này ở mã đề thi khác có khi lại là câu thông hiểu, vận dụng.

Học sinh yếu có thể bỏ ngay những câu này nhưng với học sinh trung bình, khá trở lên các em tập trung giải cho được và lẽ tất nhiên sẽ mất nhiều thời gian, thời gian còn lại tâm trí các em căng thẳng nên dù câu tiếp sau là nhận biết các em cũng lúng túng vì sắp hết giờ.

Đừng nghĩ rằng các em làm câu nhận biết trước rồi mới làm các câu thông hiểu, vận dụng sau. Những câu thông hiểu, vận dụng có khi mới nhìn vào học sinh thấy dễ nhưng biến đổi một hồi là “nghẽn mạch” nên mất thời gian lắm.

Tôi đề nghị đề thi THPT quốc gia 2015 nên có hai phần độc lập: Phần 1 đáp ứng yêu cầu cơ bản để xét tốt nghiệp THPT được phát trước, hết thời gian làm bài thì thu lại niêm phong theo quy định rồi mới phát phần 2 của đề thi đáp ứng yêu cầu nâng cao để tuyển sinh ĐH, CĐ.

Như thế hai loại cụm thi sẽ bắt đầu và kết thúc thời gian làm bài phần 1 thống nhất trên toàn quốc.

2. Về nội dung đề thi. Có nên ra những câu vận dụng, vận dụng cao hay không? Thực tế chính những câu này của kỳ thi ĐH, CĐ những năm trước đã làm cho thi cử nặng nề, vô hình trung tăng chuyện dạy thêm, học thêm.

Câu hỏi mở, giảm yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc ở những năm trước đây thường được ra ở dạng là câu khó! Siết chặt đầu vào ĐH - CĐ mà quá trình đào tạo và đánh giá đầu ra như hiện nay thì “khó vào” và “dễ ra” đã tồn tại khá nhiều năm nay. Với lại những học sinh thật sự giỏi, xuất sắc thì điểm số ở học bạ cũng thể hiện khá rõ.

3. Về cán bộ coi thi. Điều 22 quy chế thi THPT quốc gia chỉ quy định có cán bộ coi thi thứ nhất và cán bộ coi thi thứ hai trong một phòng thi. Đề nghị bổ sung cán bộ coi thi thứ ba ngoài phòng thi với chức năng, nhiệm vụ cụ thể.

Thực tế cho thấy nếu cán bộ coi thi thứ ba là những người am hiểu nghiệp vụ coi thi, tận tâm, có trách nhiệm sẽ vừa giúp hai cán bộ coi thi trong phòng thi vừa thực hiện thêm chức năng giám sát giúp quá trình coi thi nghiêm túc hơn.

4. Về cụm thi. Với cụm thi dành cho các học sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT không nên tổ chức tại trường THPT mà quy định hẳn là tổ chức theo liên trường phổ thông của tỉnh vì thực tế số thí sinh dự thi sẽ không nhiều, do đó việc gom lại và đặt tại một, hai trường THPT ở huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhằm tăng cường hơn nữa tính nghiêm túc cho các cụm thi này.

Cán bộ coi thi ở cụm thi này nên bố trí một là giáo viên của các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và một là giảng viên các trường ĐH, CĐ.

Cần lưu ý ở điều 22 quy chế THPT quốc gia chưa quy định trách nhiệm của những nhân viên như tạp vụ, lao công, bảo vệ của cơ sở giáo dục được đặt điểm thi.

Đề xuất thêm cụm thi Gia Lai, Kon Tum

Sáng 2-3, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ GD-ĐT và Ban Chỉ đạo Tây nguyên đã chủ trì cuộc họp gồm UBND các tỉnh, các sở GD-ĐT, các trường ĐH tại Tây nguyên và lân cận để bàn về việc tổ chức các cụm thi liên tỉnh và trường ĐH chủ trì các cụm thi này ở Tây nguyên, các tỉnh lân cận trong kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Theo đó, những cụm thi dự kiến tổ chức trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay ở Tây nguyên và một số tỉnh lân cận như sau: cụm thi gồm Lâm Đồng, Ninh Thuận (do Trường ĐH Đà Lạt chủ trì); cụm thi Đắk Lắk, Đắk Nông (Trường ĐH Tây nguyên chủ trì); cụm Bình Định, Phú Yên (Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì).

Ngoài ra để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, cuộc họp cũng đề xuất thêm cụm thi Gia Lai, Kon Tum do phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Gia Lai chủ trì. Danh sách các cụm thi sẽ được bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định và công bố trước lúc thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi năm nay.

Chế độ cho giáo viên

Quy chế thi THPT quốc gia chưa đề cập đến chế độ giáo viên làm việc trong tháng 6-2015. Thực tế ít có trường THPT nào mà “buông” để học sinh tự học trong thời gian này.

Vậy với giáo viên hướng dẫn ôn thi cho các em trong thời gian này chế độ được tính như thế nào? Nguồn nào để chi? Có được phép huy động sự đóng góp của phụ huynh hay không hay trích từ ngân sách thường xuyên của đơn vị? Rồi giải quyết phép hè cho giáo viên như thế nào để họ có đủ hai tháng nghỉ hè theo quy định?

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150303/may-ban-khoan-ve-quy-che-thi-thpt/715472.html

Tuyển sinh 2015, thông tin tuyển sinh, kỳ thi THPT quốc gia 2015, quy chế tuyển sinh