>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các trường thường bỏ qua yếu tố dự báo nhân lực nên việc đào tạo hiện không đi đúng nhu cầu thực tế của xã hội.

Không dựa vào nhu cầu nhân lực

Năm 2010, quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ GD-ĐT ban hành chỉ dựa trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo, như tỷ lệ sinh viên quy đổi trên giảng viên và diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cũng theo quy định này, Bộ giao các trường quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, thay vì Bộ phê duyệt như trước đó. Vì thế, nhiều năm nay, các trường chỉ tuyển sinh và đào tạo theo năng lực sẵn có, chưa quan tâm tới nhu cầu xã hội.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho hay việc xác định chỉ tiêu của trường mỗi năm căn cứ trên điều kiện đảm bảo thực tế về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Quy trình gồm các bước: Sau khi đối chiếu với quy mô sinh viên hiện có, trường xác định tổng chỉ tiêu mới sẽ tuyển sinh. Dựa trên số tổng này, các khoa sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể để xác định chỉ tiêu từng ngành. Cuối cùng, sau khi thông qua hội đồng tuyển sinh, trường sẽ báo cáo lên Bộ và Bộ chỉ xác nhận bảng chỉ tiêu trường đăng ký. Thạc sĩ Sơn cho biết trong quy định của Bộ không bắt buộc các trường phải dựa vào dự báo nhân lực.

Dự báo thiếu tin cậy

Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Nhiều chuyên gia quản lý giáo dục từng có ý kiến chỉ tiêu ngành đào tạo của trường ĐH nên dựa vào nhu cầu lao động. Cơ quan quản lý vĩ mô liên bộ, liên ngành tăng cường những cuộc khảo sát điều tra, dự báo xu hướng biến động về nhu cầu của từng lĩnh vực ngành nghề và công bố rộng rãi. Nhà trường, thí sinh và xã hội đều biết các thông tin này. Như thế sẽ góp phần điều chỉnh sự mất cân đối cung - cầu lao động”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công tác dự báo nguồn nhân lực ở VN thiếu chuyên nghiệp, chưa đủ tin cậy.

Định hướng chỉ tiêu tuyển sinh chưa gắn với nhu cầu lao động

Định hướng chỉ tiêu tuyển sinh chưa gắn với nhu cầu lao động

Cán bộ một trường ĐH tại TP.HCM cho biết hiện nay nguồn dữ liệu dự báo mà nhiều trường tham khảo chỉ từ một trung tâm dự báo nhân lực địa phương. Trong khi đó, các trường lại tuyển sinh theo phạm vi cả nước, điều này sẽ cho ra kết quả không chính xác nếu xác định chỉ tiêu ngành nghề dựa vào thông số này.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng việc thống kê dự báo hiện nay chưa tốt. Việc dự báo nhân lực đôi khi chỉ do một số khu công nghiệp thực hiện nên số liệu nếu có chính xác thì cũng chỉ mang tính chất cục bộ. “Xác định chỉ tiêu theo nhu cầu dự báo nhân lực quốc gia là việc cần thiết. Tuy nhiên thực hiện công việc này một cách chính xác và hiệu quả không dễ”, tiến sĩ Nghĩa khẳng định và dẫn chứng: “Cách đây khoảng 7 - 8 năm, hội thảo về địa chất tại một trường ĐH đã công bố khảo sát các năm tiếp theo nhu cầu nhân lực ngành này cần khoảng 1.000 kỹ sư mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế khi vận hành các mỏ thì nhu cầu nhân lực cần không nhiều như vậy”. Từ đó, tiến sĩ Nghĩa cho rằng việc dự báo cần tổng thể mang tính quốc gia và vùng miền.

Theo thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật, hầu hết các dự báo đều theo từng năm, trong khi để phục vụ đào tạo thì dự báo phải theo giai đoạn. Đồng quan điểm, thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, lo ngại: “Thực tế có nhiều số liệu dự báo được công bố nhưng mức độ tin cậy không cao. Việc dự báo này phải ít nhất sau 4 đến 5 năm chứ không phải dự báo trước mắt như hiện nay”. Ông Bình cho biết: “Đến năm 2013, Bộ mới yêu cầu các trường giảm chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế do tình trạng dư thừa nhân lực trong lĩnh vực này diễn ra trầm trọng. Việc điều chỉnh chỉ tiêu này sẽ có tác động sau 4 năm, và nếu việc cảnh báo không đúng sẽ lại đến lúc đào tạo quá ít và thiếu người giỏi ở lĩnh vực này trong tương lai”.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng nếu làm tốt khâu dự báo nhân lực gắn với đào tạo thì sẽ tránh gây lãng phí cho toàn xã hội, đặc biệt sinh viên ra trường có thể tìm được việc làm tốt phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Đào tạo vượt gấp đôi quy hoạch

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ở hầu hết các địa phương, sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm đều dư thừa. Trong đó, có những địa phương cho biết không cần sinh viên ngành này một số năm tới vì “phải mấy năm nữa địa phương mới sử dụng hết số lượng giáo viên đã đào tạo”. Một số địa phương khác chỉ một vị trí tuyển dụng giáo viên phổ thông nhưng có tới mấy chục hồ sơ dự tuyển. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhóm ngành kinh tế. Trước đây, doanh nghiệp mở ra nhiều nên các trường ồ ạt mở ngành đào tạo và tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành này. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tình hình kinh tế khó khăn và doanh nghiệp phá sản nhiều dẫn đến dư thừa nhân lực.

Theo Quy hoạch phát triển nhân lực VN giai đoạn 2011 - 2020, đến năm 2015 nhóm ngành kinh tế chỉ cần 20% số sinh viên được đào tạo trong lĩnh vực này nhưng mới năm 2012 tỷ lệ này đã lên tới 38% (gấp đôi so với quy hoạch).

Theo Hà Ánh, TNO