Kỹ năng phỏng vấn xin việc: Những câu hỏi hay của nhà tuyển dụng

1. Tại sao tôi phải tuyển dụng bạn?

Đây được xem là một câu hỏi phỏng vấn xin việc mà hầu như ứng viên nào cũng được hỏi, tuy nhiên lại là câu hỏi phần lớn sinh viên mới ra trường thường không chuẩn bị hoặc không có kinh nghiệm trả lời.

Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng đánh giá về thông tin mà bạn đã tìm hiểu về vị trí mà họ còn trống. Có nghĩa là nhà tuyển dụng đang muốn nghe bạn nói ngắn gọn nhất về năng lực và kinh nghiệm thực tế của bạn có đáp ứng được những yêu cầu mà họ đang tìm kiếm hay không.

Lời khuyên trong câu hỏi này là tìm hiểu kỹ về nơi bạn nộp hồ sơ xin việc cũng như miêu tả công việc. Sau đó, rà soát lại một lượt trong lý lịch của mình và tìm ra những chuyên môn và kinh nghiệm nào sát với miêu tả công việc nhất và nói ngắn gọn, mạch lạc về những điểm đó.

2. Người không ưa bạn nhất trên thế giới từng nói gì về bạn?

Trong trường hợp này, bạn hãy nhanh trí tìm ra một khía cạnh ban đầu được xem là khuyết điểm của bản thân nhưng cuối cùng lại khắc phục được.

Ví dụ, bạn thường bị trách là một người thiếu kiên nhẫn, thường nóng vội, hấp tấp. Mặc dù sự thiếu kiên nhẫn thực sự không phải là một điểm giúp bạn cạnh tranh với các ứng viên khác. Song, qua thời gian, sự áp lực nhất định bắt buộc có trong công việc, những nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của đồng nghiệp, bạn đã thực sự khắc phục được và trở nên điềm tĩnh, kiên nhẫn hơn từng ngày.

Vừa trung thực với nhà tuyển dụng, bạn vừa có một câu trả lời chân thành, thông minh mà còn thể hiện bản thân là người có kỹ năng lắng nghe, sửa đổi khuyết điểm và đã rèn luyện được một đức tính tốt trong khi làm việc.

Kỹ năng phỏng vấn xin việc: Những câu hỏi hay của nhà tuyển dụng8 câu hỏi tuyển dụng làm khó sinh viên

3. Tại sao lại có một khoảng thời gian trống bạn không đi làm ở bất kỳ đâu?

Nhà tuyển dụng hiểu rằng khi bạn là người lần đầu đi phỏng vấn việc làm hoặc vừa mất việc làm thì không phải dễ dàng gì để có được một công việc mới nhanh chóng. Tuy nhiên, họ vẫn muốn thử thách các ứng cử viên bằng những câu đánh vào sự thiếu tự tin của họ.

Để trả lời câu hỏi này, bạn hãy liệt kê tất cả những việc mình đã làm trong thời gian thất nghiệp. Cụ thể các dự án, công việc tự do, tình nguyện, chăm sóc gia đình, đi du lịch để lấy lại cảm hứng hay dành thời gian ôn lại kiến thức chuyên môn đều nên được kể hết ra. Điều này có nghĩa là ngay cả khi thất nghiệp, bạn vẫn sử dụng hiệu quả thời gian để tự rèn luyện cho chính mình.

4. Nếu được thay đổi, bạn sẽ thay đổi điều gì trong công việc gần nhất của mình?

Ở câu hỏi tuyển dụng này, xu hướng chung là các ứng viên thường than phiền về các sếp, đồng nghiệp cũ hoặc về quy trình, quy định hoặc môi trường làm việc ở chỗ làm cũ. Đây là một điều vô cùng tối kỵ và hoàn toàn không nên.

Tốt nhất, bạn tập trung nhấn mạnh vào việc phát triển chính bản thân mình bằng việc học thêm một kỹ năng, ngôn ngữ hay tích lũy thêm chứng chỉ nghiệp vụ để hoàn thiện mình.

5. Hãy giới thiệu một chút về bản thân bạn?

Đây có vẻ là câu hỏi hầu như là câu mở đầu cho các cuộc phỏng vấn tuyển dụng và có chăng khá nhiều ứng viên không xem đây là một câu khó.

Tuy nhiên khi hỏi đến với một lượng thời gian khiêm tốn dành cho cuộc phỏng vấn, nhiều người thường không biết bắt đầu từ đâu, nói những ý gì và làm sao gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Vì thế, thời gian quý giá nhưng bạn chỉ nói được vài ý ngắn, lủng củng và không khiến bản thân khác biệt so với các ứng viên khác. Cảm giác của bạn ngay sau khi bước ra khỏi phòng phỏng vấn là “Giá mà có thêm thời gian hoặc trả lời lại, đáng ra mình phải nói ý a, b, c thay vì ý d, e, f”.

Xu hướng của người được phỏng vấn là thường nhớ lại toàn bộ những gì viết trong bảng tóm tắt lý lịch bản thân và bắt đầu kể lại từ từ.

Lời khuyên của tạp chí Forbes là chỉ nên trả lời câu hỏi này trong vòng nhiều nhất là hai phút.

Bạn nên tách ra và nhấn mạnh vào các ý sau: chuyên môn được đào tạo, những năm đầu đi làm, lịch sử việc đã từng làm qua và kinh nghiệm có được tính đến thời điểm hiện tại. Trong đó, quan trọng nhất là phải làm bật lên được cụ thể về kinh nghiệm làm việc, kỹ năng sống của bản thân.

Nhà tuyển dụng quyết định chọn bạn hay không là dựa vào kinh nghiệm làm việc của bạn chứ không phải việc bạn có bao nhiêu anh chị em hay cấp III bạn học trường nào.

6. Thử thách/ nhiệm vụ/ dự án lớn nhất mà bạn từng tham gia là gì?

Những câu hỏi tình huống này giúp nhà tuyển dụng thấy được trình độ, sự kiên trì và cầu tiến của ứng viên sau mỗi thử thách, khó khăn mà họ gặp trong công việc.

Bạn hãy nhớ lại một thử thách mà bạn ấn tượng nhất trong quá trình đi làm của mình. Một dự án nào đó tưởng chừng thất bại nhưng lại lập kỳ tích nhờ sự kiên trì và năng lực của bạn.

Tuyệt vời hơn, đó là một thử thách nào đó có sự tranh cãi, mâu thuẫn từ nhiều phía và bạn phải đấu tranh tư tưởng để quyết định và lựa chọn.

7. Quyết định trong công việc của bạn có bao giờ bị cấp trên phản đối?

Cuộc phỏng vấn tuyển dụng là nơi thể hiện sự khiêm tốn nhưng không tự ti của các ứng viên.

Những câu hỏi này, bạn hãy trung thực nghĩ về một quyết định nào đó chưa thực sự đúng đắn, hiệu quả do mình đưa ra. Và sau khi bị bác bỏ bởi cấp trên, bạn phải minh mẫn nhìn ra được lý do và rút ra bài học cho mình.

Điều này cho thấy bạn đã thực sự biết lắng nghe và không có cái tôi quá cao trong một tập thể.

8. Hãy kể về một lần mà nhóm làm việc của bạn xảy ra bất đồng?

Câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng này liên quan đến những khó khăn, thử thách mà bạn gặp phải trong quá trình đi làm ở những nơi trước đây. Với những câu hỏi dạng tình huống như vậy, nhà tuyển dụng muốn xem cách bạn ứng xử ra sao và học hỏi được những gì. Qua đó, họ có thể đánh giá được ứng xử của bạn nếu bạn làm việc trong công ty hay tổ chức của họ.

Trong trường hợp này, vấn đề là bạn phải tìm ra được một lần điển hình, có chi tiết rõ ràng để miêu tả cho nhà tuyển dụng. Bạn lưu ý nhấn mạnh về cách mà bạn thuyết phục các thành viên, hành động cụ thể của bạn để nhận được sự đồng thuận chung. Và cuối cùng, đừng quên nhắc về kết quả làm việc của nhóm bạn.

Theo bạn, câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng nào bạn cho là khó nhất đối với bản thân?

Nguồn: Tuổi trẻ