>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Tư vấn tuyển sinh: 3 điểm cần lưu ý khi chọn ngành nghề

Ngay khi buổi tư vấn bắt đầu, một học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu gửi câu hỏi đến ban tư vấn. Học sinh này cho biết bạn đang có nhiều băn khoăn trong việc chọn ngành. “Em cảm thấy thích nhiều thứ dẫn đến không tập trung tốt nhất cho việc học. Em học tốt đều các môn khối A và C. Còn vài hôm nữa là đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi rồi, bây giờ em phải làm sao để chọn được ngành phù hợp?”.

Theo TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, việc chọn một ngành học sau THPT thật sự rất khó đối với học sinh. Vì thế hiện nay rất nhiều em còn băn khoăn trong việc chọn ngành.

- Thứ nhất: Nhiều học sinh không phân biệt ngành nghề và việc làm. Nhiều học sinh nghĩ rằng học một ngành ra chỉ làm nghề duy nhất. Nhưng trên thực tế một ngành đào tạo có thể chuẩn bị cho sinh viên một số nghề khác nhau. Mỗi nghề có một vị trí việc làm khác nhau, kỹ năng khác nhau và yêu cầu tuyển dụng cũng khác nhau. Ví dụ nhân viên kiểm tra chất lượng có thể tốt nghiệp từ ngành sinh học, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm; nhân viên đối ngoại có thể tốt nghiệp từ ngành quan hệ đối ngoại, Đông phương học, ngoại ngữ... Nếu muốn có nghề cụ thể, các em nên chọn trình độ CĐ hoặc CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp.

- Sai lầm thứ hai là chọn ngành học “thụ động”. Học sinh có nhiều ước mơ nhưng rất ít học sinh trả lời được vì sao và làm cách nào để thực hiện được ước mơ. Hậu quả của việc chọn “thụ động” là nhiều ngành học không phù hợp với sở thích nghề nghiệp nên khi vào học các em cảm giác “đuối”, thiếu say mê, sáng tạo..., vì thế ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp sau này. Thêm nữa, các em chỉ nhìn thấy “hào quang” của nghề.

- Sai lầm thứ ba là lựa chọn nghề của các em ngược với nhu cầu thực tế. Phần lớn học sinh chưa dự định làm việc cho địa phương nào hay khu vực nào. Hiện có đến 80% học sinh chọn thi vào ĐH để có việc làm sau này. Trong khi thực tế 70% nhu cầu nhân lực lại là CĐ và trung cấp nghề, ĐH chỉ chiếm 30%. Nếu chọn ngành nghề không đúng theo thực lực của mình thì chắc chắn thất bại.

Tư vấn tuyển sinh: Những điểm cần lưu ý khi chọn ngành nghề

Tư vấn tuyển sinh: Những điểm cần lưu ý khi chọn ngành nghề

Một nữ sinh Trường THPT Lấp Vò 2 thắc mắc: “Em đã chọn được trường ĐH nhưng còn phân vân giữa ngành em yêu thích và ngành xã hội đang có nhu cầu”. Chia sẻ về việc này, Th.S Lâm Tường Thoại (ĐH Quốc gia TP.HCM) khuyên khi chọn ngành không nên nghiêng hoàn toàn về một yếu tố, mà phải dung hòa giữa ngành mình yêu thích và nhu cầu xã hội cần. Nếu chọn ngành mình không yêu thích thì khi học sẽ rất chán, thực tế có không ít sinh viên bỏ cuộc giữa chừng vì cảm thấy mình chọn sai ngành. Thầy Thoại lưu ý các bạn trẻ, ở tuổi 18 việc xác định sở thích thường dễ bị nhầm lẫn vì sở thích có sự thay đổi.

“Để biết được những ngành nghề xã hội cần thì theo dõi báo chí, còn để xác định được đúng đắn sở thích của mình thì nên nhờ thầy cô, cha mẹ và các công cụ trắc nghiệm sở thích” - thầy Thoại tư vấn.

Thích nhiều ngành, làm sao để chọn được ngành phù hợp?

Một học sinh của Trường THPT Thanh Bình 1 thắc mắc: “Em đã chọn được trường rồi nhưng vẫn băn khoăn không biết nên chọn ngành mà mình yêu thích hay nên chọn ngành theo nhu cầu của xã hội”.

- Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ Lâm Tường Thoại, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng phải dung hòa giữa chọn ngành mà xã hội cần và theo đúng sở thích. Sở thích phải lồng ghép trong đó các kỹ năng, năng lực mà mình đang có. Thạc sĩ Thoại nhấn mạnh: “Ở tuổi 18, các sở thích mà các em đang có chưa chắc là sở thích đúng đắn mà đây có thể là một sự nhầm tưởng nào đó. Nhưng với sở thích hiện tại các em nên tìm hiểu đằng sau sự vượt trội và cái bề nổi mà các em thấy thì có những khó khăn gì và bản thân các em có đủ năng lực để vượt qua hay không”.

Phải biết “liệu cơm gắp mắm”

Nhiều học sinh tỏ ra lo lắng trước phương án bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng cũng như là phương án xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) của các trường sẽ ra sao nếu không có điểm sàn. PGS.TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trả lời: “Nếu không khéo chúng ta sẽ hiểu lầm ở chỗ bỏ điểm sàn. Điểm sàn là điểm tối thiểu của cộng lại ba môn, nếu em nào có tổng ba môn dưới điểm sàn thì các em không được xét tuyển. Còn bây giờ bỏ điểm sàn tức là điểm sàn của từng môn điểm liệt. Ví dụ người ta quy định mỗi môn tối thiểu là 4 điểm thì nếu như em có một môn 3,5 điểm thì hai môn còn lại dù các em 10 điểm hết thì các em cũng không qua cửa được. Các em phải hiểu rõ và phải cố gắng nhiều hơn nữa”.

Trả lời câu hỏi “Sau khi biết điểm thi đại học, nếu không được nguyện vọng 1 thì nguyện vọng 2 sẽ xét như thế nào?” của một học sinh Trường THPT thành phố Cao Lãnh, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: “Năm nay bỏ điểm sàn nhưng Bộ GD-ĐT sẽ ra một điểm tối thiểu, nếu điểm các em trên điểm tối thiểu đó thì sẽ được nhà trường cấp cho hai giấy chứng nhận kết quả điểm (ít hơn năm 2013 một giấy chứng nhận). Các em sẽ dùng hai kết quả này để xét các NVBS. Nhưng để xét tuyển NVBS các em phải theo dõi thông tin trên các phương tiện để nắm rõ số chỉ tiêu còn lại, mức điểm, ngành nào còn có nhu cầu... Nếu chọn không cẩn thận sẽ rớt lần nữa. Xin nhắc lại là phải hết sức tỉnh táo khi chọn NVBS vì chỉ tiêu bổ sung rất ít và các trường cũng chỉ xét NVBS theo điểm từ cao tới thấp”.

PGS.TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, bổ sung: “Ít trường nào chừa nhiều NVBS. Nguyện vọng 2 chỉ chừa cho các ngành nào mà số thí sinh không đủ thì mới tuyển. Trường ĐH Cần Thơ có 65 ngành thì chỉ có 20 ngành có tuyển NV2 và sẽ không có tuyển NV3. Do đó các em phải “liệu cơm gắp mắm”, tùy theo năng lực của mình mà chọn trường nào đủ khả năng mình đậu”. Thầy Xê cũng cho biết thêm nếu đậu vào Trường ĐH Cần Thơ thì sinh viên có thể chọn thêm một ngành mà mình yêu thích nhưng trước đó không dám thi.

Tổng hợp Tuổi trẻ