1 Kỳ thi quốc gia: Điểm chuẩn tốt nghiệp sẽ thấp - Ảnh 1: Khoá học Kỹ năng giao tiếp - Học kỹ năng thuyết trình

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, đề thi đáp ứng được cả yêu cầu cơ bản để học sinh có thể tốt nghiệp, có phần nâng cao, phân hóa để các trường ĐH, CĐ chọn được người học. Điểm chuẩn tốt nghiệp sẽ thấp, điểm để tuyển sinh chắc chắn sẽ phải cao hơn. Hôm qua, trong cuộc họp báo đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT công bố quyết định phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015.

Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả điểm xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Đề thi sẽ khá giống đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, điểm chuẩn tốt nghiệp sẽ thấp, được công bố trên mạng internet… Thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và ít nhất 1 môn tự chọn (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa).

Điểm chuẩn tốt nghiệp sẽ thấp

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT), để chuẩn bị ra đề cho kỳ thi quốc gia, lãnh đạo bộ này đặt ra nguyên tắc đề thi đánh giá thí sinh ở bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh. Cụ thể, đề thi sẽ khá giống đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, bởi đề thi đó đảm bảo được những điều này.

Thời gian làm bài từng môn thi cũng tương tự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Tất nhiên, chúng sẽ tiếp tục làm đậm hơn yêu cầu này, tiếp tục đổi mới đề thi theo hướng ra đề mở và yêu cầu học sinh dùng kiến thức liên môn để làm bài, tiệm cận dần với chương trình SGK mới sẽ được triển khai.

Một tiêu chí nữa lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đặt ra cho việc chuẩn bị ra đề thi năm nay là đảm bảo ổn định để học sinh không gặp khó khăn gì nhiều trong việc ôn thi. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Không có chuyện ra đề thi riêng cho hai loại cụm thi (cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì, cụm thi do trường ĐH chủ trì), cũng không tách riêng phần cho thí sinh làm tốt nghiệp/tuyển sinh.

Tuy nhiên, đề đáp ứng được cả yêu cầu cơ bản để học sinh có thể tốt nghiệp, có phần nâng cao, phân hóa để các trường ĐH, CĐ chọn được người học. Điểm chuẩn tốt nghiệp sẽ thấp, điểm để tuyển sinh chắc chắn sẽ phải cao hơn”, ông Hiển cho biết. Theo ông Hiển, việc chỉ đạo dạy và học năm học này yêu cầu hướng tới nâng cao chất lượng dần dần qua từng năm, kèm theo đó, đề thi kỳ thi quốc gia sẽ ngày càng tăng phần ứng dụng, nâng cao.

Những đề ra mở để cho học sinh có điều kiện vận dụng kiến thức của mình ngày càng nhiều trong đề thi, tùy theo chất lượng giáo dục nâng dần lên, câu hỏi khó, yêu cầu cao càng nhiều. “Các thầy cô giáo cứ yên tâm dạy học theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT từ mấy năm nay”, ông Hiển nói.

Công khai điểm trên mạng, có thống kê phân định

Theo ông Hiển, Bộ GD&ĐT không đặt ra vấn đề tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ là bao nhiêu: “Đỗ bao nhiêu tùy thuộc vào học sinh. Nhưng tôi tin kết quả không có mấy biến động, bởi khi phân tích phổ điểm kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy phân bố điểm hình chuông - tức là điểm không dồn vào một chỗ, trên đại trà không có chuyện quay cóp. Tình hình sẽ không như năm 2007, tự nhiên rẹt xuống rất thấp và phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thứ 2”.

Kỳ thi này, Bộ GD&ĐT sẽ công khai điểm trên mạng internet. Thậm chí sẽ có số thống kê phân định để học sinh dựa vào đó mà chọn trường, các trường dựa vào đó để tuyển sinh. “Đó là ưu việt của kỳ thi này mà mình cần phải khai thác. Nếu không công khai thì việc chọn thí sinh căn cứ vào kết quả của mình để trường này hay chọn trường kia là không đạt được”, ông Hiển nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các quy định cụ thể như các trường ĐH, CĐ phải xét tối thiểu/tối đa bao nhiêu môn thi, xét theo khối hay theo môn... khi sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia sẽ được bàn bạc để đưa vào quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. “Chủ trương của Bộ là sẽ làm thế nào để thí sinh không hoang mang, không phải thay đổi nhiều về cách học“, ông Ga nói.

Các trường ĐH chủ trì việc tổ chức thi tại cụm

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục, phương án tổ chức kỳ thi quốc gia giữ lại những gì tinh tuý nhất của hình thức tổ chức ba chung. Việc vận trù thành các cụm thi dựa trên một số thông số cơ bản, như năng lực của trường ĐH được chọn tổ chức làm cụm thi (năng lực được hiểu theo nghĩa rộng gồm đội ngũ, cơ sở vật chất, kinh nghiệm tổ chức thi). Bộ sẽ ước lượng con số học sinh từng khu vực đó, rồi tính toán đến sự thuận lợi cho học sinh, để học sinh chỉ phải di chuyển trong khoảng cách gần nhất có thể. Trên cơ sở đó sẽ hoạch định, mở ra một cụm thi phù hợp để bảo đảm vừa sức tải của nhà trường, của địa phương, vừa thuận lợi cho học sinh.

Trước lo ngại nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức kỳ thi riêng sau kỳ thi quốc gia, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT hoàn toàn không có ý định khống chế bao nhiêu trường tổ chức thi riêng mà để các trường tự quyết định.

Mục đích của kỳ thi quốc gia là cung cấp cơ sở dữ liệu tin cậy cho các trường ĐH, CĐ làm công tác tuyển sinh. Mong muốn của chúng tôi là nhiều trường sử dụng kết quả này mà không phải tổ chức thi riêng. Nhưng những trường có yêu cầu cao, đào tạo tinh hoa, hoặc đào tạo người làm nghiên cứu có thể sẽ tổ chức kỳ thi khác để lựa chọn thí sinh. Ngay cả những trường bình thường cũng có thể tổ chức phỏng vấn thêm để chọn thí sinh phù hợp với các ngành nghề của họ. Bộ không có ý định khống chế bao nhiêu trường thi riêng, nhưng hy vọng kết quả kỳ thi quốc gia đảm bảo đủ tin cậy để đa số các trường sử dụng nó như kỳ thi ba chung vừa rồi”, ông Ga nói.

Theo Báo Tiền Phong Online, http://www.tienphong.vn/giao-duc/diem-chuan-tot-nghiep-se-thap-757642.tpo