“Gieo chữ” bằng nhân cách và lòng yêu nghề cao cả

Cô giáo Lê Thị Thanh Vân cùng HS đội tuyển HS giỏi môn Lịch sử do cô phụ tráchCô giáo Lê Thị Thanh Vân cùng HS đội tuyển HS giỏi môn Lịch sử do cô phụ trách
GD&TĐ - Chỉ còn ít thời gian nữa, cô rời bục giảng, chia tay đồng nghiệp và học trò về nghỉ hưu theo chế độ. Thoáng man mác buồn vì phải rời xa mái trường và học trò, nhưng cô thấy dâng trào niềm hạnh phúc và thanh thản vì đã trải qua hành trình của một người "gieo" chữ.

Đó là tâm sự của cô Lê Thị Thanh Vân - giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ).

Yêu nghề, vượt mọi khó khăn

Tốt nghiệp khoa Lịch sử Trường ĐHSP Hà Nội vào đầu những năm 80, đến giờ cô giáo Lê Thị Thanh Vân vẫn nhớ tâm trạng xốn xang của một cô giáo trẻ và khao khát được đứng trên bục giảng của mình khi đó.

Cầm tấm bằng cử nhân đúng lúc hoàn cảnh đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của đội ngũ nhà giáo, cô Vân quyết tâm trở về quê hương mình dạy học và gắn bó với mảnh đất Hạ Hòa từ đó đến nay.

Những ngày đầu chập chững bước vào nghề, với cô Vân là một chặng đường dài đầy gian nan, vất vả. Đó là quãng thời gian mà cả thầy và trò cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lương giáo viên thấp, chi tiêu theo chế độ tem phiếu cùng những bận rộn, lo toan cho cuộc sống gia đình. 

Bền bỉ bám trụ với nghề, sẵn sàng đối diện và vượt qua những khó khăn, yêu và cống hiến hết mình mỗi giờ lên lớp - đó là “vũ khí” để cô cùng các đồng nghiệp vững tâm dạy học.

Bí quyết để học trò khối A, B cũng yêu Sử


Là cô giáo dạy môn Lịch sử, trong xu thế của những năm gần đây, số lượng học sinh theo học môn Lịch sử để lập nghiệp và say mê môn học ngày càng khiến cho những thầy, cô giáo đứng lớp môn học này không tránh khỏi những trăn trở.

Vậy mà, một điều kỳ diệu lại có được ở Trường THPT Hạ Hòa là số lượng học sinh theo học khối C luôn chiếm tỷ lệ cao hằng năm. Và đặc biệt, học sinh lớp chọn khối A, khối B cũng đều có hứng thú học môn Sử và ấn tượng đậm sâu ngay cả khi đã tốt nghiệp ra trường.

Điều đặc biệt là đã 14 năm nay, đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh do cô Vân phụ trách đều đạt giải cao và xếp thứ hạng ở tốp đầu trong tỉnh. Đó là sự thành công không phải giáo viên nào cũng có được và làm được trong ngày một ngày hai.

Có được điều đó là nhờ vào phương pháp cũng như sự “truyền lửa” cho học trò qua mỗi bài giảng của cô giáo Lê Thị Thanh Vân. Mỗi giờ học của cô, học trò đều tự nhủ cần thực hiện một cách nghiêm túc nền nếp học tập như ghi chép bài đầy đủ, có đủ sách giáo khoa, vở ghi và chuẩn bị bài thật kỹ trước khi đến lớp.

Cô Vân cho rằng đây là điều kiện quan trọng cho sự thành công của giờ học. Bởi với tâm thế học tập thật tốt, các em bước vào giờ học Lịch sử với bao hứng thú. Từ đó, những kiến thức lịch sử không trở nên khô cứng và hàn lâm mà mỗi bài học thực sự sinh động và bổ ích đối với các em. 

Cô Vân chia sẻ rằng, sự công tâm, công bằng và khích lệ của giáo viên trong dạy học và đánh giá học trò là yếu tố đặc biệt quan trọng. Chẳng thế mà, các thế hệ học trò đều nhận thấy rằng, cô giáo Vân tuy nghiêm khắc nhưng rất mực yêu thương học sinh, đánh giá rất công bằng và hay thưởng điểm cao cho các bạn trong giờ học khi trả lời được câu hỏi hay.

Tấm lòng cô giáo lay động học trò


Hơn 20 năm công tác, cô giáo Lê Thị Thanh Vân vinh dự được Hội đồng thi đua Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Phú Thọ, Sở GD&ĐT Phú Thọ, Công đoàn ngành Giáo dục, UBND huyện tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. 14 năm liên tục cô đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu nữ giáo viên giỏi việc trường, đảm việc nhà. Cô là đại biểu điển hình được nhà trường chọn cử dự Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015 do Sở GD&ĐT Phú Thọ tổ chức ngày 13/4.

Cô Vân có rất nhiều kỷ niệm với cương vị là giáo viên chủ nhiệm. 

Có năm cô chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh cá biệt - thách thức khó khăn đối với những giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng đối với cô Vân, yêu thương, quan tâm đến học sinh, gần gũi, chia sẻ như một người bạn sẽ giúp học sinh vươn lên trong học tập.

Cô Vân chia sẻ: "Suốt những năm tháng làm công tác giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn nhắc mình không bao giờ cáu giận, trách mắng học trò. Kinh nghiệm từ bản thân tôi cho thấy những lời chỉ bảo, nhắc nhở nhẹ nhàng hàm chứa niềm tin về sự tiến bộ của học sinh sẽ trở thành “cứu tinh” cho những em tưởng như đã hết hi vọng".

Những điều mà cô giáo Lê Thị Thanh Vân làm không còn dừng lại là những con số về thành tích học tập của học trò, về số lượng học sinh thi đỗ đại học mà còn là lòng kính trọng, tin yêu của biết bao thế hệ học trò đối với cô giáo của mình. Những bài học cô ghi dấu trong lòng các em không chỉ là những sự kiện lịch sử mà còn là bài học về nhân cách và đạo đức nghề nghiệp.


Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: [email protected]; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)